Dạy trẻ điều gì từ tiền lì xì?

Đắc Quang - Ngọc Ánh
12:09 - 16/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Thông qua bao lì xì đỏ chứa đựng điều may mắn, tốt lành, các bậc phụ huynh có thể dạy cho con trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý.

Tục mừng tuổi đầu năm (lì xì) của người Việt đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ.

Dù cho thời gian có trôi đi thì sự mong mỏi được nhận lì xì trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi, nhất là đối với những đứa trẻ.

Thông qua bao lì xì đỏ chứa đựng điều may mắn, tốt lành, các bậc phụ huynh có thể dạy cho con trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý…

Dạy trẻ điều gì từ tiền lì xì? - Ảnh 1.

Niềm háo hức của trẻ khi nhận lì xì ngày Tết. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, lì xì đầu năm là một phong tục tốt đẹp của người Việt với mong muốn điều an lành, may mắn sẽ đến từ những ngày đầu năm mới.

Người lớn lì xì cho trẻ em phong bao màu đỏ trong đó chứa một ít tiền để chúc mừng năm mới bình an, mong trẻ chăm ngoan, học giỏi...

Dạy trẻ điều gì từ tiền lì xì? - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Phương Bùi

Ý nghĩa tốt đẹp đó đã được thực hành nhiều năm và được lưu giữ qua thời gian. Thế nhưng, trong bối cảnh xã hội hiện nay, phong tục lì xì đã có nhiều biến đổi, thậm chí là biến tướng, làm lệch lạc ý nghĩa nhân văn của truyền thống này.

Nhiều người quá chú trọng đến số tiền lì xì mà quên đi ý nghĩa tốt đẹp, giá trị tinh thần nó mang lại, điều này cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến con trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, để thay đổi, trả lại những giá trị tốt đẹp của tục lì xì, người lớn cần phải làm gương trong việc thực hành phong tục này và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa thực sự của những phong bao lì xì ngày Tết.

Bài học từ những phong bao lì xì

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, việc mừng tuổi chính là cơ hội để người lớn giáo dục con trẻ về sự biết ơn, kỹ năng quản trị tài chính...

"Các bậc phụ huynh cần dạy các em hiểu rằng, giá trị tinh thần trong tiền mừng tuổi đôi khi còn lớn hơn giá trị vật chất. Và ngay cả những đồng tiền trong phong bao lì xì cũng phải được trân trọng bởi đó là sức lao động của người tặng.

Người lớn có thể nói với trẻ rằng: tiền này là kết quả của 2, 3 giờ lao động hay tương đương với 5 sản phẩm của bác, và bác dành số tiền đó để tặng con, mong con nhận được những điều tốt đẹp...

Tức là cụ thể hóa số giờ lao động, số sản phẩm phải thực hiện. Từ đó, giúp trẻ hình dung rõ hơn giá trị đồng tiền và trân trọng món quà này hơn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nêu ví dụ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, từ phong bao lì xì, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ học cách quản lý tài chính.

Ngay từ đầu, cha mẹ nên thống nhất với con rằng tiền lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn chứa đựng tình cảm của người tặng dành cho con. Đổi lại, cha mẹ cũng có trách nhiệm lì xì những bạn nhỏ khác.

Dạy trẻ điều gì từ tiền lì xì? - Ảnh 3.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NA

Và vì con đã đến tuổi cần phải chi tiêu cho nhu cầu cá nhân như mua thiết bị học tập, quà sinh nhật tặng bạn... nên con sẽ giữ một phần, bố mẹ sẽ giữ một phần. Tỉ lệ như thế nào thì cha mẹ sẽ bàn bạc cùng con.

"Nhận tiền lì xì, con không chỉ chi tiêu cho mình mà còn phải chia sẻ, giúp đỡ những người khác với mục đích tốt đẹp. Người khác ở đây không chỉ là người trong gia đình mà có thể là những bạn nhỏ kém may mắn hơn con.

Cha mẹ phải tận dụng cơ hội này để cùng con lên kế hoạch chi tiêu phù hợp, giúp con nhận ra giá trị tốt đẹp của tiền mừng tuổi, không lệ thuộc vào giá trị vật chất đơn thuần trong những phong bao lì xì”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam lưu ý, các bậc phụ huynh cần xác định rõ rằng, nếu muốn giáo dục con hướng đến những giá trị của tình yêu thương và những nét đẹp văn hóa của dân tộc thông qua việc lì xì thì cách thức, tác phong, lời nói của người lớn khi đưa phong bao lì xì tặng trẻ cũng rất quan trọng.

“Ý nghĩa của phong bao lì xì không chỉ nằm ở giá trị vật chất, mà còn được thể hiện qua thái độ, ở lời chúc tụng và gửi gắm tình cảm của người tặng đến người nhận.

Chúng ta có thể nói: bác mừng tuổi con này năm nay, chúc con nhiều niềm vui và có sức khỏe, thành công trong học tập.

Ngoài ra, với những gia đình muốn tập trung vào giá trị tinh thần của phong tục mừng tuổi thì các bậc phụ huynh có thể chuyển những đồng tiền lì xì trở thành món quà sáng tạo, như lì xì hạt giống hoặc tự mình vẽ những phong bao lì xì mang lời chúc tốt đẹp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam chia sẻ thêm.