Cô gái xinh đẹp chọn nghĩa trang làm "công sở"

N.Cường
05:59 - 23/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mô tả vị trí này là "cuộc sống nghỉ hưu sớm", cô gái tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc cho biết công việc ở nghĩa trang mang lại cho cô nhiều thời gian rảnh rỗi, khung cảnh tuyệt đẹp và tránh "cuộc chiến" nơi công sở.

Trung Quốc: Công việc nghĩa trang giúp sinh viên ra trường tránh "cuộc chiến" nơi công sở - Ảnh 1.

Sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc nhận công việc “êm ái” tại nghĩa trang “yên bình” để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và tránh "cuộc chiến" nơi công sở. Ảnh: SCMP tổng hợp

"Cuộc sống nghỉ hưu sớm"

Theo SCMP, quyết định của cô gái họ Tan, 22 tuổi - một sinh viên tốt nghiệp trường đại học Trung Quốc nhận công việc trong nghĩa trang để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và tránh những "cuộc chiến" khi làm việc ở công sở đã khiến nhiều người bị sốc và gây ra một cuộc tranh luận trực tuyến ở nước này về sở thích làm việc của các Thế hệ Z ở Trung Quốc.

Câu chuyện của Tan đã trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi cô tự hào chia sẻ những hình ảnh video về nơi làm việc "yên bình" của mình - một nghĩa trang bên sườn núi ở thành phố Trùng Khánh, phía Tây Trung Quốc - trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, vào tuần trước.

"Để tôi cho bạn thấy môi trường làm việc của một người canh mộ Gen Z. Đó là một công việc đơn giản và nhẹ nhàng. Có mèo, chó và internet" - Tan, hiện sống trong ký túc xá ở nơi làm việc với các đồng nghiệp, cho biết.

Mô tả vị trí này là "cuộc sống nghỉ hưu sớm", Tan cho biết công việc mang lại cho cô nhiều thời gian rảnh rỗi, khung cảnh tuyệt đẹp và môi trường không có "chính trị", "xung đột" ở công sở - chưa kể đến việc không phải mất nhiều thời gian di chuyển.

"Bởi vì tôi sống ở đây, nên tôi gọi đùa mình là 'người giữ mộ'," cô nói.

Nhiệm vụ của cô bao gồm tiếp khách, bán mộ và quét dọn mộ thay cho người thân của người quá cố.

Trung Quốc: Công việc nghĩa trang giúp sinh viên ra trường tránh "cuộc chiến" nơi công sở - Ảnh 2.

Nơi làm việc yên bình của một sinh viên tốt nghiệp đại học 22 tuổi, người mô tả công việc của mình là “êm ái”. Ảnh: Douyin

Thu nhập không thấp 

Tan được trả lương hàng tháng khoảng 4.000 nhân dân tệ (560 đô la Mỹ). Cô làm việc 6 ngày một tuần từ 8:30 sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày và có 2 tiếng nghỉ ngơi để ăn trưa.

Theo dữ liệu của chính phủ nước này, thu nhập trung bình hàng năm của người dân ở Trùng Khánh năm 2021 là 33.800 nhân dân tệ, tương đương 2.800 nhân dân tệ/người/tháng. Như vậy, mức lương từ công việc ở nghĩa trang mà Tan đang nhận giúp cô có mức thu nhập không hề thấp so với thu nhập trung bình hàng năm của người dân nơi đây.

Đoạn video của Tan lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và nhiều cư dân mạng ngạc nhiên. Không ít người đã đặt câu hỏi tại sao một sinh viên mới ra trường như Tan lại chọn công việc như vậy, vì nghĩa trang thường được xem là nơi làm việc không may mắn và gây khó chịu.

Tuy nhiên, một số lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ với quyết định lựa chọn công việc trên của Tan. Điều này cũng đã phản ánh phần nào văn hóa "buông thả" trong công việc ngày càng tăng của thế hệ Z ở Trung Quốc đại lục.

Xã hội Trung Quốc đã chứng kiến một phong trào xã hội "nằm yên" trong những năm gần đây khi những người trẻ tuổi chấp nhận làm những việc tối thiểu để có thể sống qua ngày như một sự phản đối thời gian làm việc kéo dài và những kỳ vọng phi thực tế.

"Ngày xưa, một công việc như vậy bị coi là không may mắn nhưng lại là một công việc yên bình đối với người hiện đại", một trong những bình luận được nhiều người thích nhất dưới video của Tan.

Trung Quốc: Công việc nghĩa trang giúp sinh viên ra trường tránh "cuộc chiến" nơi công sở - Ảnh 4.

Tan làm việc 6 ngày một tuần từ 8:30 sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày với 2 tiếng nghỉ để ăn trưa. Ảnh: Douyin

"Tôi cũng thích công việc này. Bạn không cần phải đối phó với mọi người và không có chuyện "chính trị" nơi công sở," một bình luận phổ biến khác viết.

Từng học chuyên ngành mai táng và quản lý nghĩa trang ở trường đại học, Tan trả lời rằng đó cũng là công việc tự nhiên của cô.

"Đây chỉ là một công việc bình thường. Tôi chỉ đang làm một việc mà tôi thấy bình thường," cô nói.

"Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại và tôi sẽ gắn bó với công việc này", Tan nói thêm.

Thị trường dịch vụ tang lễ của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây khi dân số già đi nhanh chóng. Vào năm 2020, nó được định giá 257 tỷ nhân dân tệ (36 tỷ USD), theo công ty nghiên cứu Huajing Research của Trung Quốc.

Dịch vụ tang lễ ra đời từ thời cổ đại, nổi tiếng nhất là kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập. Tại Trung Quốc, ngành Tang lễ bắt đầu ra đời từ năm 1995. Trong những năm gần đây, ngành Tang lễ tại nước này đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Một mặt, với sự phát triển của nhu cầu xã hội, số lượng các cơ sở dịch vụ và nhân viên trong ngành Tang lễ ở Trung Quốc đã tăng lên trong vòng một thập kỷ qua. Ngoài ra, các hình thức kinh doanh mới cũng đang lần lượt xuất hiện để đáp ứng thị hiếu của người dân.

Theo báo cáo từ Tân Hoa Xã, từ năm 2009, ngành Tang lễ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và nghề dân sự tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã có tỷ lệ về thí sinh đạt kỷ lục, đó là 5:1. Trong những năm qua, ngôi trường này đã cung cấp gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp cho ngành Tang lễ trên toàn Trung Quốc.

Nguồn: Theo SCMP