Gần 12 triệu học sinh Trung Quốc chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học “khốc liệt”
Năm nay, kỳ thi đại học cao khảo (gaokao) của Trung Quốc ghi nhận kỷ lục về số lượng thí sinh tham dự. Đây được coi là kỳ thi đông đảo và “khốc liệt” nhất thế giới.
Khoảng 11,93 triệu học sinh lớp 12 tại Trung Quốc sẽ tham gia kỳ thi cao khảo năm nay, vượt 1,15 triệu so với mức kỷ lục của năm ngoái.
Kỳ thi sẽ diễn ra trong vòng 2-3 ngày trong khoảng thời gian từ thứ ba (ngày 7/6) tới thứ sáu (ngày 10/6), tuỳ theo từng địa phương. Riêng tại Thượng Hải, nơi vừa trải qua nhiều tháng phong tỏa, kỳ thi dự kiến được tổ chức muộn hơn một tháng.
Tại Trung Quốc, kỳ thi cao khảo rất được coi trọng, bởi mang tính chất quyết định đối với tương lai của một con người. Đây có thể là cánh cửa dẫn đến một địa vị xã hội cao hơn và giúp những học sinh nghèo có cơ hội thoát nghèo.
Với tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng, chỉ khoảng 2% thí sinh có cơ hội vào đại học, cao khảo được coi là "kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới". Kỳ thi gồm ba môn bắt buộc, bao gồm: Tiếng Anh, Tiếng Trung, Toán, và một môn tự chọn thuộc khối tự nhiên (Sinh học, Vật lý, Hoá học) hoặc Xã Hội (Lịch sử, Địa lý, Chính trị).
Hầu hết các thí sinh tham gia năm nay bắt đầu học trung học vào tháng 9/2019, vài tháng trước khi làn sóng lây nhiễm coronavirus ở Vũ Hán bùng nổ, gây trở ngại cho việc học tập. Phần lớn thi sinh phải thích nghi với những hạn chế của đại dịch COVID-19, như việc học trực tuyến, áp lực tâm lý và đôi khi là tình trạng thiếu lương thực.
Bobo, một học sinh ở Tân Cương, cho biết: "Đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập và hoạt động trong những năm tháng cấp 3 của em. "Thời gian học kiến thức mới chỉ có 2 năm, nhưng đã mất đến 8 tháng bị phong toả".
Bobo đã trải qua 2 đợt phong toả trong 2 năm qua. Các lớp học đều được tổ chức trực tuyến. Những nội dung khó nhất Boho cũng thường phải học từ xa qua livestream, khiến em cảm thấy không thể nắm bắt trọn vẹn kiến thức và thường xuyên nhức mỏi mắt.
Các vấn đề kỹ thuật cũng gây trở ngại không ít, khi kết nối Wifi không ổn định hay một số giáo viên còn chưa quen với việc dạy trực tuyến. Không có máy in ở nhà, Boho cũng không thể luyện thi cao khảo trên giấy. Nữ sinh này cũng chia sẻ, khi học trực tuyến, khả năng tập trung của học sinh phải rất tốt. Bản thân em phải rất kỷ luật để không bị xao nhãng, nghịch điện thoại hoặc ngủ gật khi đang học.
Kể từ khi trở lại trường học vào đầu năm, với quỹ thời gian ít ỏi còn lại để chuẩn bị cho kỳ thi, Bobo cảm thấy khó khăn để bù đắp kiến thức.
Ở Thượng Hải, các trường học vẫn tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, học sinh lớp 11 và 12 sẽ có thể trở lại trường vào ngày 6/6 để chuẩn bị cho kỳ thi cao khảo vào tháng 7, Yang Zhenfeng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Thượng Hải cho biết.
Lin Yanran, học sinh lớp 12 trường trung học cơ sở Kim Lăng, Thượng Hải chia sẻ, ban đầu em cũng cảm thấy rất vui mừng vì khi có thêm một tháng ôn tập, nhưng khi biết Thượng Hải là nơi duy nhất hoãn tổ chức thi, thì cảm xúc này lại khác. "Khi các bạn khác sắp được nghỉ xả hơi, chúng em lại phải học thêm một tháng nữa. Trước khi có thông báo, em đã bước vào "giai đoạn nước rút quan trọng" cho kỳ thi, giờ hoãn thi thế này, thực sự khiến tinh thần em trùng xuống", Lin nói.
Xinyue, một học sinh trung học khác ở Thượng Hải, cho biết mình bị ức chế vì không thể giữ được sự tích cực và tập trung kể từ khi chuyển sang các lớp học trực tuyến từ giữa tháng 3.
Em chia sẻ thêm mình luôn cảm thấy thiếu động lực khi học trực tuyến ở nhà, "dễ bị cám dỗ và ảnh hưởng của thế giới bên ngoài", và lo lắng khi đọc những tin tức về việc lây lan dịch bệnh hay lệnh phong toả các thành phố.
Theo Chen Mo, nhà tâm lý học trẻ em và vị thành niên ở Thượng Hải, việc phong toả còn làm gia tăng xung đột giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Chỉ riêng trong năm nay, số trường hợp tư vấn gia đình trực tuyến đã tăng đáng kể và "cứ 10 em thì có 7 em đến từ Thượng Hải".
Lời khuyên của cô dành cho các gia đình là hãy giải tỏa tình trạng này. "Phụ huynh nên bình tĩnh trước, giảm kỳ vọng vào con cái, bớt lo lắng, nếu không các con sẽ không thể dành hết sức lực cho các bài kiểm tra", cô nói.
Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là những người nghèo, khó khăn, cuộc thi cao khảo là cách duy nhất để họ đổi đời. Chính vì thế, người ta mới gọi đây là cuộc thi mang tính chất "sống còn".
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ XXI, khẳng định, đã đến lúc người dân Trung Quốc phải nhìn nhận lại về kỳ thi cao khảo.
"Một là, cải cách cao khảo, thiết lập một hệ thống đánh giá đa dạng, toàn diện, không chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất này. Hai là, phá vỡ quan điểm truyền thống rằng chỉ có học thuật và các trường danh tiếng mới quan trọng. Chúng ta không thể đánh giá hoặc lựa chọn một người chỉ dựa trên nền tảng học vấn của người đó", ông nói./
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google