Cơ chế lây nhiễm của bệnh bạch hầu, vì sao ngồi hát karaoke cũng dễ lây bệnh?
Bạch hầu là bệnh có nguy cơ lây lan nhanh và nguy hiểm tới tính mạng, dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng tỉ lệ mắc và tử vong vẫn tương đối cao nếu không được điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mới đây tại Nghệ An ghi nhận một trường hợp tử vong sau khi mắc bệnh bạch hầu. Cơ chế lây nhiễm bệnh bạch hầu tương đối nhanh, Bắc Giang cũng ghi nhận 1 ca bệnh là F1 của ca tử vong trên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.
Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Theo Cục Y tế (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó gây hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B.
Cơ chế lây nhiễm bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây bệnh phổ biến của bệnh. Ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da.
Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh.
Do đó, việc dùng chung micro hoặc tiếp xúc gần khi hát karaoke hoàn toàn có nguy cơ lây bệnh. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác. Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Các thể bệnh bạch hầu và dấu hiệu nhận biết
Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2, 3 ngày xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ xuất hiện xanh tái da, mạch nhanh, đờ đẫn, thậm chí là hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong 6-10 ngày.
Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
Dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng người mắc bệnh cần được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Quan trọng nhất là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng độ tuổi và tiêm nhắc lại theo tư vấn của bác sĩ. Người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng. Để phòng bệnh, trong sinh hoạt cần rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google