16 tỉnh có bệnh dại trên người, số ca mắc tiếp tục tăng đột biến
Hiện đã có 16 tỉnh thành trên cả nước ghi nhận ca bệnh dại trên người. Khu vực miền Trung có số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện cao nhất trên cả nước với 10 ca. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong tăng đột biến
Sáng 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.
Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết, những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra ở nước ta, trong đó bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bởi bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, có 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 16/63 tỉnh ghi nhận ca bệnh dại trên người. Khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện cao nhất trên cả nước với 10 ca. Khu vực Tây Nguyên và miền Nam số ca bệnh dại vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó tỉnh Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca.
Tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm muộn, không đúng chỉ định
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Thống kê cũng cho thấy có tới 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.
Nhiều người dân còn e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận (hơn 16% người bị bệnh dại đã điều trị bằng thuốc nam).
Ngoài ra, 8,2% người bị chó cắn không có tiền để đi tiêm phòng, đặc biệt là hộ nghèo, người dân sinh sống vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người, có những địa phương ở khu vực Tây Nguyên tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chưa được 10%. Việc quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo làm tăng nguy cơ tấn công con người... Đây là những yếu tố khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người tiếp tục diễn ra.
Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Giai đoạn tiền triệu chứng: Thường 1- 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: Sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên.
Bệnh tiến triển theo hai thể: Thể liệt kiểu hướng thượng (hội chứng Landly) và thể cuồng.
Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Biện pháp phòng chống bệnh dại
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn cần:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google