Chuyện văn bằng, chứng chỉ và những lãng phí đối với đội ngũ nhà giáo

Nguyễn Khanh
06:42 - 27/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chứng chỉ chồng lên chứng chỉ, văn bằng kênh nhau, phủ nhận nhau... là những bất cập mà chính đội ngũ nhà giáo nhìn nhận ra khi các quy định áp dụng với họ.

Nếu nói về văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học có lẽ giáo viên ở các nhà trường đang có nhiều nhất. Càng giáo viên lâu năm càng "sưu tầm" được nhiều hơn. Bởi lẽ, nếu tốt nghiệp cao đẳng sư phạm thì có bằng cao đẳng, học thêm đại học tại chức, từ xa có thêm bằng đại học. Trong quá trình học sư phạm thì sinh viên nào cũng có chứng chỉ quốc phòng, chứng chỉ giáo dục thể chất.

Nhiều năm qua, sinh viên còn phải học để có thêm chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học. Khi ra trường, một số thầy cô còn có thêm chứng chỉ sơ cấp, trung cấp chính trị, mỗi năm bồi dưỡng thường xuyên được phát thêm tờ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Một số thầy cô được cử đi học một số lớp như thiết bị, tổng phụ trách Đội, bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn, học lớp quản lý...

Mấy năm nay, khi ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều giáo viên ở cấp trung học cơ sở lại đang phải đi học để có chứng chỉ đối với các môn tích hợp. Vì thế, nhiều giáo viên bây giờ, ngoài văn bằng ra còn có thêm hàng chục loại chứng chỉ khác nhau.

Việc yêu cầu văn bằng, chứng chỉ có quá nhiều bất cập

Một thầy giáo phổ thông chia sẻ với chúng tôi rằng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thầy thi và đỗ vào một trường đại học sư phạm. Điều bất ngờ là khi hết năm thứ nhất vẫn phải đi học quốc phòng 1 tháng để lấy chứng chỉ quốc phòng như bao sinh viên khác. Lúc đó, thầy đã lên phòng giáo vụ để hỏi về chuyện này nhưng cuối cùng cũng phải học vì các thầy cô ở đây nói quy định sinh viên phải có chứng chỉ quốc phòng. Nghĩ cũng lạ, những người đã qua nghĩa vụ quân sự luyện tập đằng đẵng suốt 3 năm trời chẳng lẽ lại không bằng đi học 1 tháng học quốc phòng. Tại sao các trường không phiên ngang cho sinh viên đỡ khổ?

Nhiều sinh viên sư phạm học ở giai đoạn đầu những năm 2000 thường tranh thủ buổi tối đến các trung tâm học lấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học - dù khi đó những yêu cầu về chứng chỉ không gắt gao như những năm về sau. Thế nhưng, dù đã chủ động đón trước như vậy mà đến khi đi dạy, nhiều giáo viên vẫn thấy đuối trước các yêu cầu của ngành giáo dục.

Bởi lẽ, chỉ mấy năm trước đây, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhiều đối tượng giáo viên phải học thêm chứng chỉ tin học cơ bản, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Cái khổ nhất là khi có chủ trương, các trường đại học, cao đẳng được phép đào tạo để cấp các chứng chỉ luôn kết hợp với lãnh đạo sở, phòng, nhà trường để thông báo cho giáo viên học.

Nhiều giáo viên khi nghe lãnh đạo nhà trường nói về tầm quan trọng của các loại chứng chỉ đành bấm bụng đi học vì nhiều người sợ không có sẽ bị tinh giản biên chế, hoặc ảnh hưởng đến việc xếp hạng, bậc lương sau này. Hơn nữa, khi Bộ công bố dự thảo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT và sau đó là ban hành chính thức vẫn yêu cầu tất cả các giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng thì giáo viên không dám thoái thác.

Giáo viên ở các địa phương được yêu cầu đi học mấy năm vừa qua đã gần như hết, nhiều giáo viên đã có 1-2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT. Theo Thông tư này, Bộ đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng - nghĩa là bây giờ hạng giáo viên nào cũng chỉ cần 1 chứng chỉ mà thôi.

Hai năm qua, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên dạy các môn: Vật lý, Hóa học; Sinh học; Lịch sử; Địa lý đều được yêu cầu đi học bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ để về dạy 2 môn học tích hợp ở cấp học này. Việc đi học các loại chứng chỉ không chỉ lãng phí tiền bạc mà thời gian đi học cũng khiến cho nhiều giáo viên cảm gặp áp lực bởi vô cùng vất vả, nhất là những giáo viên ở xa.

Nên "tích hợp" chứng chỉ vào chương trình giảng dạy chính khóa 

Nhìn lại chương trình giáo dục phổ thông 2006, chúng ta thấy môn tiếng Anh được học từ lớp 3, nhiều nơi có điều kiện học từ lớp 1. Chương trình 2018, môn tiếng Anh là tự chọn từ lớp 1; từ lớp 3 trở lên là bắt buộc và đây cũng là môn mà học sinh phải đi học thêm nhiều nhất ở nhà thầy cô và các trung tâm ngoại ngữ - nhất là khi thi chuyển cấp.

Lên đại học, học sinh tiếp tục được học 300 tiết tiếng Anh trong 5 học kỳ, trong đó có một học kỳ học tiếng Anh chuyên ngành. Vậy mà khi tuyển dụng, thậm chí giảng dạy hàng chục năm thì có giai đoạn ngành giáo dục vẫn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 1, bậc 2. Yêu cầu này, rõ ràng đã phủ nhận quá trình đào tạo của ngành mình đối với cấp phổ thông và đại học.

Nghịch lý ở chỗ học sinh, sinh viên học ngoại ngữ liên tục hơn chục năm trời (từ lớp 3 đến lớp 12 là 3 tiết/tuần), đại học học 300 tiết nhưng lại thua cái chứng chỉ học trong vài tuần do các trung tâm ngoại ngữ, các trường đại học liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tổ chức thi.

Môn tin học đã được giảng dạy đại trà trong chương trình 2006 từ lớp 6 cho đến đại học nhưng thực tế những học sinh có điều kiện thì các em đã mày mò, làm quen máy tính từ khi chưa vào lớp 1. Nhưng, ra trường đi xin việc vẫn cần chứng chỉ tin học cơ bản.

Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì toàn là các trường đại học, cao đẳng sư phạm được phép đứng ra tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ. Vậy, tại sao trong quá trình đào tạo thì các trường sư phạm không dạy luôn cho sinh viên để đỡ phải phức tạp về sau? Mỗi chứng chỉ có giá dao động từ 2-2,5 triệu đồng, cả nước hiện nay có tới trên 1 triệu giáo viên mầm non và phổ thông thì số tiền đầu tư cho chứng chỉ này không hề nhỏ.

Rõ ràng, nhiều loại văn bằng, chứng chỉ trong thời gian qua mà giáo viên được yêu cầu đi học cho thấy ngành giáo dục đang giải quyết vấn đề theo kiểu manh mún, cắt khúc từng đoạn và không nhận được sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo bởi lợi nhuận đang chảy vào tài khoản của nhiều trường đại học nhưng thiệt hại, lãng phí thuộc về đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tham mưu với các cơ quan chức năng chủ trương công nhận chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học ở các nhà trường và tích hợp dạy bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp khi sinh viên đang học đại học.

Nếu như ngành giáo dục chủ trương công nhận chương trình đào tạo ngoại ngữ, tin học ở các nhà trường đại học sư phạm và tích hợp dạy bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp khi đào tạo cho sinh viên khi đang học sẽ đỡ tốn kém thời gian, tiền của. Đồng thời, không tạo nên những rắc rối, phiền toái cho cán bộ, giáo viên khi đã được tuyển dụng và đang công tác như những năm vừa qua.