Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: Nguyên nhân bỏ chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo hạng

Nguyễn Khanh
12:59 - 19/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên. Hiện, tất cả các hạng giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên là phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, để tránh lặp lại những quy định chưa phù hợp tại chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT cũ từng gây ra muộn phiền cho đội ngũ nhà giáo từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, Thông tư mới cần đi kèm nhiều hướng dẫn cụ thể. 

Thực tế cho thấy, việc bồi dưỡng chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên trong thời gian qua chưa thực sự thiết thực, trùng lặp kiến thức.

Thực hiện Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT cần tránh những bất cập trong yêu cầu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo cách cũ

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đã khiến cho đội ngũ nhà giáo lo lắng về việc chuyển hạng, xếp lương và cả chuyện học các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp - kể cả những giáo viên đã có chứng chỉ này. 

Bởi vì theo hướng dẫn của chùm Thông tư 01-04/TT-BGDĐT thì giáo viên phải có chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từng hạng khác nhau.

Cụ thể, Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non là hạng III, hạng II và hạng I. Trong đó giáo viên mầm non hạng III phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III. Đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Giáo viên mầm non hạng II phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng II. Giáo viên mầm non hạng I phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng I.

Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học gồm hạng III, hạng II và hạng I. Trong đó giáo viên tiểu học hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III. Đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Giáo viên tiểu học hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng II. Giáo viên tiểu học hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng I.

Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở gồm hạng III, hạng II và hạng I. Trong đó, giáo viên trung học cơ sở hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng III. Đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Giáo viên trung học cơ sở hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng II. Giáo viên trung học cơ sở hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông gồm hạng III, hạng II và hạng I. Trong đó giáo viên trung học phổ thông hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng III. Đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Giáo viên trung học phổ thông hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng II. Giáo viên trung học phổ thông hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng I.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01-04/TT-BGDĐT, đến ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn: "Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này. Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới".

Chính vì Thông tư, Công văn của Bộ hướng dẫn như vậy nên các trường đại học sư phạm đã thông báo chiêu sinh tại trường. Đồng thời, các trường gửi thông báo chiêu sinh đến nhiều địa phương để mở lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng. 

Có thể nói, chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đã tạo ra xáo trộn không nhỏ trong tâm tư đội ngũ giáo viên. Thời điểm thông tư mới ban hành, giáo viên lo đôn đáo đi học chứng chỉ. Thông báo chiêu sinh liên tục, nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Các Ban giám hiệu nhà trường quán triệt thường xuyên, nhắc nhở giáo viên đi học chứng chỉ.

Vì sao chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên lại bị giáo viên phản đối?

Theo Thông tư, Công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên đã lo lắng đi học chứng chỉ tương đương với hạng của mình. Một số giáo viên đã có chứng chỉ hạng tương ứng với hạng mình đang giữ nhưng so sánh với chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì không đáp ứng được nên phải đi học thêm chứng chỉ hạng thấp hoặc cao hơn.

Điều đáng nói là nhiều trường sư phạm đã "ăn nên, làm ra" vì đã "vươn tay" đến nhiều địa phương khác nhau chiêu sinh học chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ có giá dao động từ 2-3 triệu đồng. Cả nước có 1,6 triệu giáo viên các cấp cần có chứng chỉ đủ thấy khi áp dụng vào thực tiễn, một Thông tư hướng dẫn về quy định có tầm quan trọng thế nào với đội ngũ giáo viên. 

Chỉ cần 1,5 triệu giáo viên đi học, mỗi giáo viên học 1 chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ thấp nhất phải tốn phí 2 triệu đồng. Số tiền mà đội ngũ giáo viên đã bỏ ra cho việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phải là con số ngàn tỉ. Trong khi đó, từ ngày 1/7/2019 cho đến nay, lương giáo viên không tăng. Lương cơ sở vẫn đang đứng yên ở mức 1.490.000 đồng.

Mặt khác, nội dung bồi dưỡng chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phần nhiều là bồi thêm những kiến thức trùng lặp. Giáo viên đã học, đã tập huấn hàng năm. Nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đại học giảng dạy cho giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông đều có thời lượng là 240 tiết học. Các tiết học diễn ra như sau: 

Về nội dung bồi dưỡng chứng chỉ, có 10 chuyên đề. Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.

Rõ ràng, đa số nội dung học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của các trường đại học dành cho giáo viên là kiến thức mà họ đều đã được học thời đại học, cao đẳng sư phạm. Khi ra trường, với trải nghiệm của công việc thực tế thì người thầy cũng thường xuyên được học tập, bồi dưỡng các nội dung này hàng năm. 

Năm nào giáo viên cũng học chính trị 2 lần, đi tập huấn vài lần về chuyên môn, về đổi mới của ngành giáo dục. Thực tiễn giảng dạy ở nhà trường, thầy cô nào cũng phải sinh hoạt chuyên môn mỗi tuần 2 lần, cộng thêm phải tư vấn cho học trò. 

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục chủ trương chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh nên giáo viên đã quá rõ vấn đề này. Hằng năm, họ phải chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, giờ dạy để cấp trên thanh tra, kiểm tra, dự giờ…

Kì vọng Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT giải quyết rốt ráo bất cập về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp theo hạng cho giáo viên

Việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của giáo viên cũng chỉ là việc "làm sáng tỏ những điều đã rõ, đã biết" mà thôi. Cũng vì thế, giảng viên giảng dạy cũng hời hợt, người học cũng hững hờ. Nhưng, việc học chứng chỉ đã lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và gây nên những ức chế cho đội ngũ giáo viên.

Điều lo lắng nhất của đội ngũ giáo viên là về mặt thông tin tiếp nhận được, học buộc phải lo lắng đến chứng chỉ vì mong được tăng lương, sợ tinh giản biên chế... Thực tế, các trường đại học chiêu sinh đã quan trọng hóa vấn đề để nhấn mạnh đây là chứng chỉ bắt buộc. Nếu không học thì giáo viên không thăng hạng, không có cơ hội để nâng lương. 

Ban giám hiệu các trường quán triệt học chứng chỉ để có cơ hội đảm bảo việc làm. Khi đầy đủ các chứng chỉ thì sẽ không ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế. Học chỉ lấy văn bằng chứng chỉ, kiến thức không mới, phải bỏ ra tiền triệu, nhưng không có tác dụng gì.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên để cải thiện những bất cập cũ. Và điều cần thiết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn hướng dẫn, yêu cầu khi Thông tư có hiệu lực, tránh lặp lại những nhiêu khê cũ.