Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhộn nhịp mua bán giáo án

Thành Phúc
10:31 - 28/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ nhu cầu thực tế của thị trường giáo án nên một số giáo viên, hoặc "tay buôn" giáo án đã nhanh nhạy soạn giáo án, hoặc thuê soạn giáo án mới để bán ra thị trường. Chính các giáo viên tạo ra tiền lệ "đồng phục giáo án" và coi thường chuyên môn sư phạm.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhộn nhịp mua bán giáo án - Ảnh 1.

Thời buổi trên mạng cái gì cũng có, giáo viên lên mạng mua giáo án khá nhộn nhịp. Minh hoạ: Free/image

Thị trường giáo án chương trình mới đang bát nháo bán mua

Thời điểm này, trên các trang mạng xã hội khá nhộn nhịp về việc các nhóm giáo viên quảng cáo mua bán giáo án các lớp dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cho năm học 2023-2024 tới đây là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. 

Đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006 (cũ) thì việc lưu giữ các tệp giáo án hay tìm kiếm một giáo án powerpoint trên mạng không khó. Giáo viên có thể tải về và chỉnh sửa một chút là thành giáo án của mình.

Tuy nhiên, đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 thuộc chương trình 2018 mới hoàn toàn vì năm học mới tới đây mới bắt đầu thực hiện nên việc soạn hay sở hữu được bộ giáo án dạng word và powerpoint là cả một vấn đề nan giải đối với nhiều giáo viên hiện nay. 

Việc thực hiện các kế hoạch giáo dục nói chung và kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hiện nay có phần nhiêu khê, phức tạp.

Trên các trang mạng xã hội của giáo viên có rất nhiều trang chia sẻ giáo án miễn phí nhưng chủ yếu là giáo án chương trình 2006 đã được giảng dạy từ nhiều năm qua. 

Giáo án chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 4, lớp 8 và lớp 11 là giáo án chưa có "văn mẫu" không chép được ở đâu. Một số giáo viên góp sức soạn chung và dùng chung. Còn lại, hầu như việc mua bán giáo án diễn ra ngày càng phổ biến, nhất là buôn bán qua mạng xã hội.

Nhiều trang quảng bá tải miễn phí giáo án word hoặc powerpoint nhưng qua vài thao tác tải về thì bước cuối cùng hiện lên là giá phí mới cho tải xuống. Người đăng tải cho hẳn tài khoản ngân hàng để người mua chuyển khoản rồi họ sẽ chuyển giáo án sau.

Trên mạng xã hội quảng cáo bán giáo án công khai khá rầm rộ, nêu hẳn giá cụ thể từng loại giáo án. Hoặc, đăng tin lên mạng xã hội, người có nhu cầu sẽ nhắn tin riêng và trao đổi giá cả với người bán.

Cách thức đa phần là người mua trao đổi với một số người bán giáo án trên một vài nhóm facebook. Người bán sẽ gửi một video quảng bá hình ảnh giáo án, người mua thấy ưng ý là chuyển khoản, người bán sẽ chuyển giáo án qua mạng cho người mua.

Thông thường, mỗi bộ giáo án những môn 1-2 tiết sẽ dao động trong khoảng 400-600 ngàn/năm, giáo án những môn nhiều tiết như môn Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Toán… dao động từ 700-1000.000 đồng/năm.

Việc mua bán được thực hiện công khai, ai cần thì lên tiếng. Người bán giáo án bây giờ nhiều lắm, mỗi môn học có hàng chục trang bán giáo án. Người bán lập ra nhiều trang để quảng bá sản phẩm của mình với tần suất liên tục.

Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang thực hiện kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH và có một số môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục địa phương… cùng nhiều kế hoạch khác nhau nên giáo viên soạn sẽ mất rất nhiều thời gian mà nhiều người cũng còn rất mơ hồ khi thực hiện các bước soạn giáo án.

Trong khi, phần lớn giáo viên được phân công dạy từ 2 khối lớp nên việc soạn giáo án gặp rất nhiều vất vả. Giáo án word để thực hiện ký duyệt, hoặc khi cấp trên về thanh, kiểm tra; giáo án powerpoint để thực hiện giảng dạy trên lớp.

Vì vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền để mua, hoặc một nhóm giáo mua chung với nhau sẽ có tất cả các kế hoạch trọn gói cần thiết như: giáo án word, giáo án powerpoint, trò chơi và một số clip đi cùng với các bài giảng nên cũng tạo nhiều thuận lợi cho giáo viên.

Mua bán giáo án dẫn đến đồng phục giáo án?

Chính vì việc bán, mua giáo án hiện nay không có một quy định nào quản lí hoặc kiểm soát, cũng chẳng có khó khăn gì về chuyện bán, chuyện mua nên các giáo viên càng dễ dãi trong chuyên môn, mua giáo án cho nhanh, đỡ phải viết và suy nghĩ. 

Chính vì nhu cầu thực tế của thị trường giáo án nên một số giáo viên, hoặc "tay buôn" giáo án đã nhanh nhạy soạn giáo án, hoặc thuê soạn giáo án mới để bán ra thị trường. Chất lượng của các giáo án bán - mua đương nhiên không thể đảm bảo vì hiện nay, đến sách giáo khoa còn được lựa chọn cho phù hợp với địa phương, với từng trường học cụ thể, vùng miền miền núi, đô thị, Nam - Bắc. Không thể có chuyện giáo án cứng nhắc dập khuôn làm đại trà để bán lại có thể là phương án tối ưu dùng cho giảng dạy. 

Nhu cầu mua giáo án của một bộ phận lớn giáo viên hiện nay là có, thậm chí rất "khát" bởi khi các trường thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đa phần kiến thức, nội dung bài học, phương pháp giảng dạy, các hoạt động trên lớp khác hoàn toàn với chương trình 2006. Họ không thể tự soạn giáo án khi chính mình còn lơ mơ với chương trình mới. 

Trong khi, soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì Bộ giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dài lê thê, Mỗi tiết học dù có chắt lọc thì giáo viên cũng phải soạn 4-5 trang A4. Trong khi, mỗi giáo viên môn Toán, Ngữ văn mà được phân công dạy 2 khối lớp thì mỗi tuần phải soạn 8-9 tiết giáo án. Đó là chưa kể một số thầy cô còn dạy phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương, những thầy cô chủ nhiệm có thêm giáo án chủ nhiệm, giáo án Hoạt động trải nghiệm.

Vì vậy, mỗi tuần phải soạn mấy chục trang giáo án như vậy sẽ là một thách thức không nhỏ cho phần lớn thầy cô giáo dạy những môn nhiều tiết/tuần. Trong khi, trình độ công nghệ thông tin của mỗi giáo viên khác nhau, thậm chí một số thầy cô rất yếu về tin học nên không có khả năng soạn giáo án.

Chính vì thế mới dẫn đến tình trạng bán, mua giáo án từ khi thực hiện chương trình 2018 một cách công khai, nhộn nhịp trên các trang mạng xã hội. 

Nhưng, cũng từ đây dẫn đến sự đồng phục từ kế hoạch, giáo án, đề kiểm tra giữa giáo viên này với giáo viên khác, giữa trường này với trường khác, giữa địa phương này với địa phương khác mà đội ngũ giáo viên đã từng phản ánh trong dư luận.