Vì sao nhiều giáo viên ngày một mất dần thói quen đọc sách?
Nhà giáo chính là những người cần phải đọc sách mỗi ngày. Tuy nhiên, với phong trào đọc sách nhìn chung đang đi xuống, những giáo viên cũng không ngoại lệ, trở nên ít đọc sách hơn bao giờ hết.
Đọc bài "Xây dựng thói quen đọc sách trong công ty - bí quyết trị giá triệu đô" được đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học, tôi bất ngờ với những chia sẻ của ông Lê Hồng Long - Giám đốc Công ty TNHH EoH về một trong những "bí quyết" giúp công ty vượt qua những thử thách về công nghệ và tài chính dẫn đến thành công lại đến từ việc xây dựng thói quen đọc sách trong công ty.
Trong bối cảnh công nghệ và thông tin phát triển "chóng mặt" thì việc đọc sách vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong môi trường doanh nghiệp – nơi ông Long là đầu tàu dẫn dắt.
Ông xây dựng và lan tỏa thói quen đọc sách trong công ty, từ đó, những lợi ích của việc đọc sách có thể cân đong đo đếm rõ: mở rộng kiến thức, hiểu biết, nâng cao kỹ năng giao tiếp, chuyên môn, tăng năng suất và chất lượng công việc, giúp đồng nghiệp khai phá tiềm và kích thích sáng tạo trong tư duy, phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý công việc hiệu quả hơn…
Công ty đã dùng từng dùng hẳn 1 giờ trong số 8 giờ làm việc mỗi ngày để các thành viên đọc sách trong giai đoạn bước đầu hình thành "văn hóa đọc sách" trong công ty.
Từ câu chuyện, tạo thói quen đọc sách trong công ty và dành hẳn 1 giờ mỗi ngày để các thành viên đọc sách, sau đó chia sẻ những điều đã học được lên nhóm nội bộ. Tôi liên tưởng đến ngành giáo dục, nơi lẽ ra việc đọc sách đã trở thành thói quen, thành nhu cầu của các thầy cô lại ít được coi trọng và gần như bỏ ngỏ.
Nhiều giáo viên không còn thói quen đọc sách như trước đây
Nếu làm một cuộc trắc nghiệm bỏ túi, mỗi năm các thầy cô đọc được bao nhiêu cuốn sách, đó là sách gì? Nêu qua nội dung và bài học rút ra từ cuốn sách ấy? kết quả sẽ là khá buồn. Sẽ có tới hơn 90% thầy cô sẽ không thể hoàn thành trắc nghiệm vì không đọc cuốn sách nào cả.
Giáo viên mầm non, tiểu học hay giáo viên dạy một số bộ môn không đọc còn dễ hiểu, ngay nhiều thầy cô giáo dạy ngữ văn bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng rất ít người ham đọc sách.
Nếu như vài chục năm về trước, nhiều thầy cô luôn có những cuốn sách gối đầu giường hoặc trong cặp, trong túi vẫn thường bỏ những cuốn sách đọc dở thì ngày nay gần như vắng bóng.
Khi được hỏi lý do vì sao không còn hoặc không có thói quen đọc sách? Câu trả lời thường nhận được nhiều nhất là "không có thời gian", "lên mạng đọc tin tức cho nhanh" hay "đâu cứ phải đọc sách mới có kiến thức? bây giờ cần thông tin gì đều có anh google chỉ vài giây là xong"…
Trong khá nhiều nguyên nhân, việc giáo viên không có nhiều thời gian để dành cho việc đọc sách là thực tế.
Phần lớn giáo viên các cấp hiện nay đều đi dạy cả ngày. Ngoài việc giảng dạy ở trường, còn rất nhiều hồ sơ sổ sách như xây dựng các kế hoạch giáo dục, hoàn thành giáo án lên lớp, liên tục thực hiện các loại báo cáo, thống kê…
Nhiều thầy cô đi dạy về nhà chỉ kịp cơm nước xong xuôi là ngồi vào máy làm việc đến đêm chưa xong. Những ngày nghỉ, ngày tết cũng phải miệt mài với hàng đống hồ sơ, kế hoạch.
Ngoài ra, còn phải tranh thủ làm thêm đủ công việc như dạy thêm, bán bảo hiểm, bán hàng trên mạng… để tăng thêm thu nhập góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình.
Ngành giáo dục đang bỏ ngỏ việc đọc sách của giáo viên?
Sách được ví như ánh sáng, là nguồn kiến thức vô tận. Ai cũng cần phải đọc sách nhưng những người làm trong ngành giáo lại càng phải đọc sách nhiều hơn. Bởi, không chỉ đọc cho riêng mình, các thầy cô còn phải truyền động lực, sự hiểu biết đến từng học sinh.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở môn tiếng Việt đã có tiết đọc sách mở rộng dành cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Tuy nhiên, với giáo viên vẫn chưa có một quy định nào.
Hằng năm, cứ gần đến ngày Sách Việt Nam (21/4), nhiều trường học đều tổ chức một giờ đọc sách hoặc hội thi tìm hiểu sách tại sân trường cho học sinh. Sau ngày này, mọi chuyện lại trở về bình thường.
Để có được thói quen đọc sách cho học sinh thì chính mỗi thầy cô giáo phải ham mê đọc sách. Sự ham mê đọc sách từ thầy cô mới truyền động lực và lan toả đến các em học sinh.
Nhưng làm thế nào để thầy cô đam mê đọc sách? Khi chưa có được lòng ham mê, giáo viên phải đọc như một nghĩa vụ của nhiệm vụ một nhà giáo.
Ngành giáo dục cũng cần xây dựng một tiết đọc sách cho giáo viên ở trường, tổ chức thêm một số hội thi về giới thiệu sách (thay vì dành quá nhiều thời gian cho những hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thao hội giảng) các cấp như hiện nay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google