Chết vì siro ho - giải mã vụ ngộ độc thuốc quốc tế

Bác sĩ Nguyễn Văn
06:17 - 01/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 29.12.2022, Bộ Y tế Uzbekistan thông tin, 18 trẻ em nước này tử vong do uống siro ho có tên Doc-1 Max, do hãng dược Marion Biotech, Ấn Độ sản xuất, được công ty Quramax Medical nhập khẩu vào Uzbekistan, thuốc này được quảng cáo cho điều trị cảm lạnh và cúm.

Hơn 330 trẻ chết vì siro ho

Theo Bộ Y tế Uzbekistan, siro ho này chứa Ethylene glycol, một chất độc hại. Các trẻ tử vong do uống siro ho không có đơn, chỉ dẫn của bác sĩ, cha mẹ chỉ nghe lời dặn của dược sĩ hoặc người bán thuốc và cho con uống vượt quá liều cho phép. Bộ Y tế Uzbekistan đã sa thải 7 nhân viên vì không kiểm nghiệm kịp thời thuốc nhập khẩu, vì thế không thể ngăn chặn kịp thời. Cơ quan này thu hồi thuốc viên và siro ho Doc-1 Max ở tất cả hiệu thuốc.

Trước đó, ngày 11.10.2022, cảnh sát Gambia báo cáo điều tra sơ bộ về 69 trẻ tử vong do tổn thương thận có liên quan đến loại siro ho do hãng dược Maiden Pharmaceuticals, ở New Delhi, Ấn Độ sản xuất, nhập khẩu vào Gambia qua một công ty có trụ sở ở Mỹ.

Ngày 19.10.2022, Bộ Y tế Indonesia thông tin, tính đến ngày 18.10 đã có 206 trẻ em tổn thương thận cấp, với 99 trẻ tử vong; khởi đầu là 20 trẻ ở Thủ đô Jakarta chết vì suy thận. Các ca suy thận cấp được cho là liên quan đến sử dụng các loại siro chứa Paracetamol nhập từ Ấn Độ, gồm 4 biệt dược do công ty Maiden sản xuất, là Promethazine Oral Solution, Kofexmalin, Makoff và Magrip N. Đến 27.10, có 141 trẻ hầu hết dưới 5 tuổi chết vì siro ho chứa Ethylene glycol và Diethylene glycol; nhà chức trách tạm thời cấm bán một số loại siro. Đến 01.11.2022, nhà chức trách Indonesia thu hồi giấy phép của hai công ty dược sản xuất các loại thuốc siro sau khi 159 trẻ chết do tổn thương thận cấp. 

Họ phát hiện hãng PT Yarindo Farmatama và PT Universal Pharmaceutical Industries đã thay đổi nhà cung cấp Propylene glycol (C3H8O2) - một thành phần của siro an toàn hơn và loại họ đang sử dụng độc hơn. Đa số nạn nhân là trẻ em và cứ 11 trẻ tử vong thì 7 trẻ có trong máu các chất Ethylene glycol, Diethylene glycol và Ethylene glycol butyl ether (2-Butoxyethanol; Butyl glycol) vượt quá mức cho phép. Bình thường, mỗi tháng ở Indonesia chỉ có 2, 3 ca suy thận. 

Indonesia phối hợp với Tổ chức y tế thế giới giám định nguyên nhân chết của 20 trẻ ở Jakarta sau khi uống siro ho. Tuần đầu tháng 10.2022, Tổ chức y tế thế giới phân tích 4 sản phẩm của Maiden gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup, đã công bố các sản phẩm có lượng Diethylene glycol, Ethylene glycol "không chấp nhận được" và nhiễm Chì nghiêm trọng, gây ngộ độc, tổn thương thận cấp tính. Cơ quan quản lý dược phẩm Indonesia cho biết 4 sản phẩm trên không được cấp phép lưu hành ở nước này.

Tiến sỹ Piprim Basarah Yanuarso, Chủ tịch hội bác sĩ nhi Indonesia, nói với kênh truyền hình iNews: "Số trẻ 1 - 5 tuổi nhập viện vì suy thận đã có biểu hiện tăng từ tháng 01.2022, nhưng đến mùa cúm (đông - xuân cuối 2022, đầu 2023) thì đột biến. Bộ Y tế Indonesia điều tra đầu tháng 8.2022 thấy rằng, hai loại thuốc ho nhiễm độc ở Indonesia và Gambia có khác nhau, nhưng đều do công ty Maiden, Ấn Độ sản xuất.

Ngày 23.01, Tổ chức y tế thế giới tuyên bố, năm 2022, hơn 300 trẻ em, chủ yếu dưới 5 tuổi, ở Gambia, Indonesia và Uzbekistan chết vì tổn thương thận cấp tính. Các ca tử vong có liên quan đến loại siro ho nhiễm độc. Tổ chức này kêu gọi 194 quốc gia ngay lập tức phối hợp hành động để ngăn chặn ngộ độc và tử vong do siro ho, bởi đây không phải sự cố riêng lẻ của vài nước. Tháng 10 năm ngoái và đầu tháng 01 năm nay, Tổ chức y tế thế giới đã phát đi cảnh báo, yêu cầu loại các siro ho Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech của Ấn Độ ra khỏi kệ hàng.

Cơ quan chức năng Ấn Độ đã ra lệnh ngừng sản xuất siro ho ở nhà máy của Maiden Pharma sau những công bố của Tổ chức y tế thế giới. Bộ trưởng y tế bang Haryana, ông Anil Vij cho biết, kiểm tra một nhà máy của Maiden gần thị trấn Sonipat đã phát hiện 12 sai phạm… Trang web Moneycontrol Ấn Độ trước đó dẫn lời Cơ quan kiểm soát dược phẩm bang Haryana, cho thấy hãng Maiden đã không kiểm tra lượng Ethylene glycol, Diethylene glycol, Propylene glycol có trong thuốc. Một số lô hàng thậm chí không có ngày sản xuất và hạn sử dụng!? Ấn Độ nói rằng loại siro ho trên chỉ được phép xuất khẩu sang Gambia, như vậy hãng sản xuất đã đưa thuốc đến những nơi khác qua thị trường lậu!

Todd Ratcliffe, cựu đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ
Không ít tập đoàn dược phẩm Ấn Độ "sáng làm thuốc thật, tối làm thuốc giả" và dùng loạn tên thương hiệu để che giấu.

Nguyên nhân gây suy thận cấp là gì?

Ethylene glycol (CH₂OH)₂, được nhà hoá học người Pháp, Charles Adolphe Wurtz (1817 - 1884) điều chế năm 1856; là chất lỏng không màu, không mùi, dễ bay hơi, tan trong nước và trong hầu hết các dung môi hữu cơ khác; độc tính trung bình (liều thấp nhất gây chết người đường uống (LD Lo) là 786mg/kg trọng lượng). Là nguyên liệu sản xuất chất chống đông, dầu phanh xe, chất làm nguội, giấy bóng kính, mực bút bi, sợi polyester, nhựa, sơn mài, sơn latex, các loại sáp nhân tạo, mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc nổ không khói; được dùng nhiều làm dung môi. 

Chết vì siro ho - giải mã vụ ngộ độc thuốc quốc tế - Ảnh 2.

Mariama Kuyateh, người Gambia và con trai (đã chết vì siro ho).

Liều thấp Ethylene glycol gây buồn nôn, ói mửa; đau bụng; hoa mắt; môi có màu xanh; da, mắt, mũi và họng bị kích thích (ngứa ngáy, khó chịu); giảm cơ lực nên cảm thấy yếu ớt; có thể tiểu ra máu hoặc không; thở nhanh đến khó thở; hạ thân nhiệt; liệt mặt; huyết áp khi thấp khi cao; nhịp tim nhanh có thể dẫn đến suy tim cấp; đau đầu; nói lắp; cảm giác như say rượu; lú lẫn; mất phương hướng; nặng nhất sẽ có ảo giác hoặc hôn mê hay co giật. 

Liều cao, người bệnh nhanh chóng tổn thương não, gan, phổi và suy thận cấp. Do trong cơ thể Ethylene glycol chuyển hóa thành axit Glycolic và axit Oxalic (C2H2O4) gây độc; cơ thể nhiễm toan (pH máu giảm). Axit Oxalic kết hợp với Canxi để tạo ra lượng lớn Canxi oxalat lắng đọng ở ống thận (nhiều nhất ở ống lượn gần - một cấu trúc vi mô của thận), dẫn đến tắc nghẽn, hoại tử biểu mô ống thận, rối loạn chức năng thận (nước tiểu có nhiều tinh thể Canxi oxalat) gây mất cân bằng điện giải và rối loạn áp xuất thẩm thấu - hai quá trình sống tối quan trọng của cơ thể - nguyên nhân tử vong. 

Ethylene glycol là "cha đẻ" của Đạo luật quản lý thực phẩm và dược phẩm, mỹ phẩm năm 1938 ở Mỹ. Trước năm 1937, ở Mỹ mỗi năm có hơn 5.000 ca ngộ độc Ethylene glycol, chủ yếu là người lớn và nam giới. Năm 1937, bùng phát tử vong do một loại thuốc chứa hợp chất tương tự - Diethylene glycol (C4H10O3 - chất được trùng hợp (trùng ngưng; dimer, deme - là phản ứng làm nhiều phân tử nhỏ (monomer) liên kết thành phân tử lớn (polymer) từ Ethylene glycol - có nhiều tính chất hóa học tương đồng với Ethylene glycol, nhưng có nhiều đặc điểm ưu việt cho ứng dụng), dẫn đến ra đời Đạo luật, bắt buộc phải có bằng chứng về sự an toàn của thuốc mới được đưa ra thị trường.

Nguy hiểm rình rập!

Rất may là Việt Nam "chưa kịp" nhập siro ho Ấn Độ, dù thị trường tân dược Việt Nam từ lâu đã "nhan nhản" hàng Ấn Độ.

Ấn Độ có tham vọng trở thành "nhà thuốc thế giới" và hiện là nước sản xuất thuốc thứ hai toàn cầu sau Trung Quốc, xuất khẩu sang hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, doanh thu tới 50 tỷ USD/năm. Nhưng theo Interpol, Ấn Độ cũng là nước sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng nhất thế giới. Ông Todd Ratcliffe, cựu đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ nói: "Không ít tập đoàn dược phẩm Ấn Độ "sáng làm thuốc thật, tối làm thuốc giả" và dùng loạn tên thương hiệu để che giấu". 

Ông Ratcliffe cũng nói: "Năm 2020, đại dịch COVID-19 đang ở đỉnh điểm, Cục Điều tra liên bang Mỹ bắt giữ lô hàng lậu gồm thuốc kháng virus Remdesivir và thuốc trị sốt rét Chloroquine. Hai loại thuốc này đều không đạt tiêu chuẩn, nhưng được bán ở chợ đen với giá gấp hai, ba lần giá gốc. Điều tra ngược đến một công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến mạng lưới rửa tiền ở Hong Kong và "đích" là công ty dược phẩm ở New Dehli, Ấn Độ".

Theo Cục Quản lý chất lượng thuốc trung ương Ấn Độ, trong 10 năm qua, có khoảng 12.000 loại thuốc nước này sản xuất không đạt chất lượng. Thậm chí thuốc chứa chất độc, virus, vi khuẩn và cả thủy tinh. Nhưng cũng 10 năm, chính quyền và tòa án nước này chỉ xử phạt 73 vụ vi phạm sản xuất thuốc!

Chết vì siro ho - giải mã vụ ngộ độc thuốc quốc tế - Ảnh 3.

Bốn loại siro ho có Diethylene glycol, Ethylene glycol quá mức cho phép.

Ông Dinesh S. Thakur, lãnh đạo một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất Ấn Độ, đột nhiên bỏ việc để hoạt động chống thuốc giả, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Ông cùng luật sư Prashant Reddy T, điều tra và khởi kiện hơn 20 công ty dược phẩm sản xuất thuốc giả; sử dụng nguyên liệu dưới chuẩn; nhà xưởng không vệ sinh… Hai ông xuất bản sách về kết quả điều tra tựa đề "Viên thuốc sự thật" (The Truth Pill). 

Theo sách này thì Ấn Độ từng 5 lần có họa chết người do siro ho: ở Madras (nay là Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu) năm 1972 với 15 trẻ tử vong; 14 trẻ ở Mumbai năm 1986; 11 trẻ ở Bihar năm 1988; 33 trẻ ở Gurgaon năm 1998; 11 trẻ ở Jammu năm 2019. Ông Dinesh viết: "Cả 5 vụ việc đều do siro ho có Diethylene glycol. Ở mọi quốc gia khác, chỉ một vụ việc đã phải đóng cửa hàng loạt nhà máy thuốc để kiểm tra toàn bộ dây truyền sản xuất, nhưng ở Ấn Độ không ai làm thế… Sau vụ Jammu, tôi đã gửi kiến nghị đến Bộ Y tế, đề nghị điều tra toàn diện các công ty dược, nhưng trả lời tôi là sự im lặng".

Những năm gần đây Việt Nam thường xuyên phải thu hồi nhiều loại thuốc tây, đông; mỹ phẩm; thực phẩm chức năng… Vì thế khi mua thuốc hãy xem kỹ nguồn gốc; không nên tin và không hoàn toàn nghe người bán. Tình trạng thuê bằng dược sĩ để mở quầy bán thuốc hiện rất phổ biến (người bán không biết gì về thuốc, chỉ học lỏm được tí chút vụn vặt, nhất là ở nông thôn…). Nếu có là dược sĩ đại học thì hiểu biết sử dụng thuốc của họ cũng rất hạn chế so với bác sĩ, nhất là những loại thuốc tương kỵ…; chưa kể dược sĩ trung cấp. Với những thuốc không kê đơn phải đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng để không dùng quá liều quy định…

Bình luận của bạn

Bình luận