Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế

Lê Thị Diễm Phúc - Néang Sa Lắc
12:54 - 29/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Với mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Khmer, nhóm nghiên cứu trình bày các vấn đề về cơ sở lí luận và thực tiễn của việc chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế trong giảng dạy phân môn Học vần, sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 1.

Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 1.

Lớp học Khmer. Ảnh: TTXVN

Trong những năm qua, việc giảng dạy môn Ngữ văn Khmer được thực hiện rộng rãi khắp các hệ thống giáo dục. Qua quá trình tiếp cận thực tế ở các điểm trường, chúng tôi nhận thấy rằng thiết bị dạy học phân môn Ngữ văn Khmer hiện tại được sử dụng là những học liệu được cấp phát theo quy định hoặc do giáo viên giảng dạy tại trường tự thiết kế để sử dụng trong tiết dạy của mình.

Nhìn chung, thiết bị dạy học cho việc giảng dạy môn này còn khá hạn chế. Trong khi đó, thiết bị dạy học rất cần thiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học Tiếng Khmer, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường và giáo dục môi trường cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ đó không của riêng cá nhân nào cũng như không của riêng môn học nào.

Nhiều vật liệu qua sử dụng thải ra môi trường nếu tái chế phù hợp sử dụng được vào sáng tạo các thiết bị dạy học cũng là giải pháp hữu ích. thiết bị dạy học bằng vật liệu tái chế không chỉ có ý nghĩa giúp học sinh có thể tăng hứng thú, tiếp thu bài học dễ dàng hơn mà còn qua đó có thể giáo dục ý thức bảo vệ môi trường của học sinh. Vì thế, việc sử dụng vật liệu tái chế để thiết kế thiết bị dạy học trong trong giảng dạy Tiếng Khmer cũng là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa.

Từ đó, nhóm tác giả đã thiết kế một số thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế như: Bong bóng sắc màu, Ong tìm chữ, Cánh hoa từ ứng dụng, Con đường đến trường và đề xuất cách vận dụng đối với các thiết bị học tập được thiết kế.

Đối tượng nghiên cứu:  các vật liệu tái chế để thiết kế thiết bị dạy học như bìa carton, giấy, giấy mút xốp, thùng mút,... phục vụ cho việc giảng dạy phân môn Học vần, chương trình Sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 1.

Phạm vi nghiên cứu: Phân môn Học vần, chương trình Sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 1 giảng dạy cho học sinh lớp 6 học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học sơ sở và Trung học Phổ thông huyện Tiểu Cần.

Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp khảo sát, Phương pháp phân tích, tổng hợp.

Theo điều 1 về quy chế thiết bị giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (41/2000/ QĐ-BGD-ĐT) thiết bị giáo dục bao gồm thiết bị phục vụ giảng dạy và học ở tại lớp, thiết bị phòng thí nghiệm, thiết bị thể dục thể thao, thiết bị nhạc - họa và các thiết bị khác trong xưởng trường, vườn trường, phòng truyền thống nhằm đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. 

Thiết bị dạy học là thuật ngữ chỉ một vật thể hoặc một tập hợp đối tượng vật chất mà người giáo viên sử dụng với tư cách là phương tiện điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh, còn đối với học sinh thì đó là nguồn tri thức giúp học sinh lĩnh hội các khái niệm, định luật, thuyết khoa học,… hình thành ở học sinh các kỹ năng, kỹ xảo, đảm bảo việc giáo dục, phục vụ mục đích dạy học và giáo dục.

Vật liệu tái chếthiết bị dạy học từ vật liệu tái chế

Tái chế được hiểu là quá trình rác thải hoặc vật liệu không cần thiết thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. Việc sử dụng vật liệu tái chế thành đồ dùng học tập là việc làm có rất có ý nghĩa, vừa tiết kiệm được tiền mua sắm nguyên liệu, tạo ra những thiết bị mang tính sáng tạo cá nhân, phong phú, vừa làm tăng số lượng thiết bị, thiết bị, phương tiện dạy học cho các em học sinh mà hiệu quả sử dụng khá cao. 

Đồng thời làm giảm thiểu lượng rác thải, giảm chi phí cho công tác vệ sinh môi trường cũng như giảm chi phí để tạo nên một thiết bị khác, qua đó giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày mỗi gia đình thường có rất nhiều sản phẩm bị loại bỏ sau khi sử dụng, đó là nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng, có thể tận dụng để làm thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc dạy học.

Qua thực tế tìm hiểu về thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy môn Ngữ văn Khmer tại trường Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) chúng tôi nhận thấy, thiết bị dạy học phục vụ giảng dạy phân môn Học vần, Sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 1 hiện nay vẫn được trang bị ở mức cơ bản như sách giáo khoa, tập viết, một số thẻ học phụ âm, nguyên âm, bảng phụ... 

thiết bị dạy học còn hạn chế nên hằng năm giáo viên giảng dạy môn Tiếng Khmer có thiết kế những thiết bị dạy học để thi thiết kế thiết bị dạy học trong tỉnh đã giúp ích phần nào sự thiếu hụt về thiết bị giảng dạy. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và tăng sự hứng thú cho học sinh, các giáo viên thường tự thiết kế thêm thiết bị dạy học cho tiết dạy của mình nhưng do áp lực về thời gian và kinh tế nên số lượng thiết bị dạy học mà các giáo viên thiết kế được cũng hạn chế, chủ yếu tập trung ở các tranh, ảnh và một số bảng phụ.

Việc thiếu hụt đó sẽ làm mất đi vai trò và tầm quan trọng của cơ sở vật chất trường, lớp học khi đây là một trong những yếu tố có tính quyết định đến hiệu quả dạy và học của cả chương trình giáo dục tại nhà trường. Để đưa ra hướng khắc phục những khó khăn của học sinh mắc phải khi học các phân môn thì việc sử dụng thiết bị dạy học để giải quyết những khó khăn là một việc rất cần thiết và phù hợp nhất.

Nguyên tắc thiết kế và sử dụng thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế 

Nguyên tắc thiết kế

Nguyên tắc thiết bị sử dụng thiết bị dạy học trong dạy tiếng đảm bảo các yêu cầu cơ bản như sau:

- Tính khoa học: Là mức độ chuẩn xác trong việc phản ánh hiện thực.

- Tính sư phạm: Là sự phù hợp với yêu cầu về mặt sư phạm như độ rõ, kích thước màu sắc, dễ sử dụng, phù hợp với tâm lý học sinh.

- Tính thẩm mĩ : Là các phương tiện dạy học phải phù hợp với các tổ chức môi trường sư phạm phương tiện dạy học phải đảm bảo tỉ lệ cân xứng hài hòa về đường nét và phương tiện dạy học phải làm trò thầy trò thích thú khi sử dụng làm cho học yêu thích và nâng cao hiệu quả học tập.

- Tính giáo dục: Giáo dục là hình thức học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới sự hướng dẫn của người khác, nhưng cũng có thể thông qua tự học. Bất cứ trải nghiệm nào có ảnh hưởng đáng kể lên cách mà người ta suy nghĩ, cảm nhận, hay hành động đều có thể được xem là có tính giáo dục.

- Tính an toàn: Là đảm bảo an toàn khi sử dụng, đảm bảo vệ sinh, không mất an toàn, không gây độc hại, thân thiện với trẻ.

- Tính kinh tế: Là giá thành tương ứng với hiệu quả giáo dục đào tạo.

Nguyên tắc sử dụng

- Phải sử dụng thiết bị dạy học triệt để trong việc khai thác nội dung bài học.

- Thiết bị thiết bị dạy học phải gắn với nội dung của sách giáo khoa

- Thiết bị dạy phải phù hợp với nội dung dạy học.

- Thiết bị dạy học phải phù hợp với đối tượng học sinh.

- Thiết bị dạy học phải có khả năng tái sử dụng, đúng mục đích, đúng yêu cầu, đúng lúc, đúng chỗ.

- Thiết bị dạy học có kích thích sự năng động của học sinh

- Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, không làm phản tác dụng của thiết bị.

- Đảm bảo sự linh hoạt khi sử dụng thiết bị dạy học trong tiết dạy.

- Sử dụng thiết bị dạy học phải kết hợp với việc giảng dạy bài của giáo viên, bài giảng phải hấp dẫn, lôi cuốn mới thu hút học sinh, phát huy được hết hiệu quả khi sử dụng thiết bị dạy học.

- Tự làm và cải tiến thiết bị dạy học phải phù hợp điều kiện kinh tế nhưng phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, thẩm mĩ. Không có thiết bị dạy học nào là vạn năng chỉ có thể sử dụng hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng và kết hợp sự khéo léo mới đem lại hiệu quả thiết thực cho tiết dạy.

Quy trình thiết kế

Bước 1: Chuẩn bị các thông tin cho việc thiết kế (Lớp học có sĩ số bao nhiêu? Phân môn dạy là gì? Nội dung của bài học là gì? Buổi học được tổ chức như thế nào? Thiết bị sẽ vận dụng vào giai đoạn nào của bài học và gắn với hoạt động gì? Thiết bị sẽ được thiết kế trong thời gian bao lâu?...,).

Bước 2: Lên ý tưởng về thiết bị dạy học cho phù hợp nhất và phác thảo mô hình thiết bị dạy học sẽ thiết kế

Bước 3: Chuẩn bị tất cả nguyên liệu sẽ được dùng để thiết kế

Bước 4: Tiến hành thiết kế thiết bị dạy học tuân thủ các nguyên tắc thiết kế đã được trình bày ở trên

Bước 5: Vận dụng thiết bị dạy học sau khi đã thiết kế hoàn chỉnh với các nguyên tắc vận dụng thiết bị dạy học đã được đề cập ở phần trước.

Thiết kế một số mô hình thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế

Bong bóng sắc màu

Bong bóng sắc màu là bộ công cụ dạy học được thiết kế bằng cách tận dụng các vật liệu như bìa car-tông, giấy màu, sticker nhằm khuyến khích phát huy sáng tạo nhiều thiết bị dạy học giúp cho học sinh hăng hái tập trung xây dựng bài tốt hơn. Bên cạnh đó, giúp học sinh nâng cao khả năng vận dụng từ để tạo lập các mẫu câu đơn giản. Bộ công cụ này bao gồm 2 công cụ được thiết kế rời nhau. 

Trong đó, công cụ thứ nhất là bảng chùm bong bóng và công cụ thứ hai gồm các bong bóng rời.

Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 3.
Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 4.

Bong bóng sắc màu - Minh hoạ của nhóm tác giả.

Ong tìm chữ

Ong tìm chữ là bộ công cụ dạy học được thiết kế từ giấy bìa car-tông, giấy mút xốp, được dùng để thiết kế trò chơi ong tìm chữ để giúp học sinh ôn lại phụ âm mà mình đã học, được làm từ các vật liệu: bìa car-tông, giấy mút xốp, giấy bóng kính, thẻ phụ âm. Bộ này bao gồm hai công cụ. 

Công cụ thứ nhất là bảng phụ âm, công cụ thứ hai là thẻ phụ âm.

Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 5.
Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 6.

Ong tìm chữ - Minh hoạ của nhóm tác giả.

Cánh hoa từ ứng dụng

Cánh hoa từ ứng dụng là bộ công cụ được thiết kế từ việc sử dụng các vật liệu tái chế như nắp thùng mút, giấy mút xốp. Bộ công cụ này có thể sử dụng cho việc giảng dạy bài mới hoặc củng cố bài học để học sinh làm quen và ghi nhớ các từ ứng dụng được học trong bài học ngày hôm đó, được làm từ bìa car-tông, giấy mút xốp, bút lông, kéo, keo hai mặt. 

Bộ công cụ này bao gồm bảng bông hoa, là một bảng được thiết kế từ việc tận dụng nắp thùng mút. Trên bảng này có dán sẵn hình một bông hoa. Phía dưới bảng có phụ âm hoặc nguyên âm và các từ ứng dụng tương ứng với bài học.

Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 7.
Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 8.
Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 9.

Cánh hoa từ ứng dụng - Minh hoạ của nhóm tác giả.

Con đường đến trường

Con đường đến trường là bộ công cụ được thiết kế bằng cách tận dụng miếng mút, giấy bìa car-tông. Bộ công cụ này có thể sử dụng để tổ chức cho học sinh ôn tập lại các từ có chứa nguyên âm đã học và rèn luyện kĩ năng vận dụng từ để tạo lập các mẫu câu đơn giản cho học sinh. 

Được làm từ bìa car-tông, giấy a4, giấy mút xốp, sticker, bút lông, kéo, keo hai mặt. Bộ công cụ này gồm hai công cụ. Thứ nhất là một cục xúc xắc cỡ lớn được thiết kế từ một phần của miếng mút và giấy màu. 

Công cụ thứ hai là bảng con đường đến trường, bảng này được thiết kế trên một tấm giấy cứng khổ A0. Nội dung chính của tấm bảng là những từ vựng có sẵn được cố định trên các tấm bìa giấy car-tông được sắp xếp như một con đường.

Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 10.
Chế tác thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế- Ảnh 11.

Con đường đến trường - Minh hoạ của nhóm tác giả.

Một số đề xuất khi tổ chức vận dụng các thiết kế vào dạy học

Bong bóng sắc màu

Giai đoạn vận dụng: Củng cố bài.

Hình thức vận dụng: Tổ chức làm việc theo nhóm.

Thời gian vận dụng: 10 phút (học sinh làm việc nhóm 5 phút, giáo viên nhận xét, chỉnh sửa 5 phút).

Bảng 1: Tổ chức dạy học vận dụng thiết bị Bong bóng sắc màu:

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

- Chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm 5-7 học sinh

- Phát bảng bong bóng và các bong bóng rời cho các nhóm

- Yêu cầu các nhóm đặt câu với các từ có trong bảng bong bóng viết lên các bong bóng rời tương ứng, sau đó dán lại dán vào bảng bong bóng

- Yêu cầu các nhóm lên bảng dán bảng bong bóng của nhóm mình.

- Nhận xét và chỉnh sửa (nếu có)

- Gửi lại các bong bóng rời cho các nhóm xem để rút kinh nghiệm, còn bảng bong bóng giáo viên tái sử dụng lần giảng dạy sau

- Thành lập nhóm

- Nhận công cụ học tập

- Thảo luận nhóm và hoàn thành bảng bong bóng

- Lên bảng trình bày sản phẩm

- Lắng nghe

- Nhận bong bóng mà giáo viên đã sửa để xem lại những lỗi mà nhóm mắc phải để rút kinh nghiệm

Ong tìm chữ

Giai đoạn vận dụng: Nội dung ôn tập phụ âm của bài ôn tập.

Hình thức vận dụng: Tổ chức trò chơi theo nhóm; Thời gian vận dụng: 7 phút.

Bảng 2: Tổ chức dạy học vận dụng thiết bị Ong tìm chữ:

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

- Chia lớp thành hai đội, xếp thành 2 hàng đều nhau

- Phổ biến luật chơi

- Khi giáo viên đưa phụ âm nào thì các cặp đầu tiên (mỗi bạn của một đội) sẽ chạy lên tìm âm đó trên bảng phụ âm. Lần lượt cho đến khi hết giờ.

- Tìm thấy đúng phụ âm các nhóm sẽ lấy bông hoa trên phụ âm ấy dán vào thẻ phụ âm giáo viên đưa. Đội nào tìm được nhiều phụ âm đúng hơn thì đội ấy sẽ chiến thắng

- Tính điểm và công bố kết quả

- Thành lập đội

- Lắng nghe

- Lần lượt tìm phụ âm làm sao nhanh hơn đội bạn và đúng phụ âm

- Dán hoa vào phụ âm

- Lắng nghe

Mô hình phụ âm và từ ứng dụng

Giai đoạn vận dụng: Dạy bài mới hoặc củng cố bài.

Hình thức vận dụng: Diễn giảng kết hợp vấn đáp.

Thời gian vận dụng: 15 phút.

Bảng 3: Tổ chức dạy học vận dụng thiết bị Cánh hoa từ ứng dụng:

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

- Treo bảng có dán mô hình bông hoa

- Dán nhụy hoa có viết phụ âm hoặc nguyên âm vào bảng

- Hướng dẫn học sinh đọc

- Gọi vài học sinh đọc lại

- Dẫn dắt và dán từ ứng dụng đầu tiên trên cánh hoa thứ nhất và lần lượt cho đến hết các cánh hoa

- Giải nghĩa và dịch từ ứng dụng

- Hướng dẫn học sinh đọc

- Gọi vài học sinh đọc lại

- Gọi một vài học sinh đọc lại toàn bộ từ trên các cánh hoa

- Quan sát

- Lắng nghe và quan sát

- Đọc theo

- Đọc lại

- Lắng nghe và quan sát

- Lắng nghe

- Đọc theo

- Đọc lại

- Đọc lại tất cả các từ

Con đường đến trường

Giai đoạn vận dụng: Phần ôn tập nguyên âm của bài ôn tập.

Hình thức vận dụng: Tổ chức trò chơi theo nhóm.

Thời gian vận dụng: 10 phút.

Bảng 4: Tổ chức dạy học vận dụng thiết bị Con đường đến trường:

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

- Treo bảng con đường đến trường

- Chia lớp thành 3 đội theo 3 dãy

- Hướng dẫn học sinh chơi: Mỗi đội sẽ lần lượt thảy xúc xắc để tính bước đi cho mình. 

Đi đến ô có từ vựng nào thì đội đó sẽ đặt câu với từ vựng đó, nếu đặt câu chưa đúng thì phải đi lại về vị trí cũ. 

Đội nào đi đến đích trước thì đội đó chiến thắng.

- Tổ chức trò chơi

- Quan sát, lắng nghe và nhận xét câu mà học sinh đặt

- Tổng kết trò chơi khi kết thúc và công bố kết quả

- Quan sát

- Thành lập đội

- Lắng nghe

- Tham gia chơi

- Lắng nghe và quan sát

- Lắng nghe

Thiết bị dạy học nói chung và thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế là một yếu tố vô cùng quan trọng trong dạy học. 

Đặc biệt đối với phân môn Học vần tiếng Khmer quyển 1 - môn học tạo nền tảng ngôn ngữ cho học sinh thì thiết bị dạy học được thiết kế và vận dụng thích hợp lại càng mang lại hiệu quả cho việc giảng dạy. 

Kết quả nghiên cứu của bài viết này đã thể hiện qua những mô hình đồ dùng học tập cụ thể được thiết kế từ vật liệu tái chế cùng với những đề xuất vận dụng hy vọng sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh trong học tập phân môn Học vần tiếng Khmer quyển 1. 

Từ đây, bài viết cũng có giá trị gợi mở ý tưởng để những nghiên cứu về thiết kế thiết bị dạy học từ vật liệu tái chế trong việc giảng dạy môn Ngữ văn Khmer có thể được thực hiện trong tương lai.

Nguồn: Tạp chí Dạy và Học
Bình luận của bạn

Bình luận