Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Quảng Nam: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ

Ly Hương
06:27 - 19/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Nam vừa tổ chức kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh (đợt 2), trong đó có môn Ngữ văn. Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh làm sáng tỏ giá trị "mĩ" trong văn học.

Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh bằng trải nghiệm văn học, làm sáng tỏ giá trị "mĩ" trong văn học từ nhận định: "Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ bao giờ cũng là văn chương cho mọi người và là văn chương của muôn đời". (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, Tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2019, trang 187)

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Quảng Nam: Văn chương hướng tới chân, thiện, mĩ - Ảnh 1.

Khái niệm về chân, thiện, mĩ 

"Chân" có nghĩa là chân thật, sự xác thực, là sự thật và chân lí được phản ánh vào trong tác phẩm văn học. Trái ngược với "chân" là giả dối, giả tạo, phù phiếm. Đi liền với "chân" là giá trị nhận thức.

"Thiện" có nghĩa là cái tốt, cái hay được nhà văn thể hiện trong tác phẩm, nó thuộc về phương diện đạo đức và nhân cách của con người, hướng con người đến với cái tốt đẹp trong cuộc sống. Trái với thiện là cái ác, là đi ngược lại với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Đi liền với "thiện" là giá trị giáo dục tư tưởng, tình cảm.

"Mĩ" có nghĩa là đẹp, là cái đẹp trong cuộc sống. Trong tác phẩm văn học, "mĩ" được hiểu là cái đẹp nghệ thuật, là sự kết hợp hài hòa giữa "chân" và "thiện", là khả năng đánh thức, khơi gợi và bồi dưỡng những tình cảm thẩm mĩ của người đọc. Đi liền với "mĩ" là giá trị giáo dục tình cảm thẩm mĩ.

"Văn chương hướng đến chân – thiện – mĩ" là văn chương hướng đến những giá trị toàn diện, vừa phản ánh chân thực những vấn đề trong đời sống của con người, vừa hướng con người đến với cái tốt, cái đẹp, đồng thời khơi gợi và bồi dưỡng cho con người những rung cảm thẩm mĩ.

Văn chương "chân – thiện – mỹ" là văn chương đem đến cho con người những giá trị về nhận thức, về những bài học tư tưởng đạo lí và về cái đẹp. Đó mới thực sự là văn chương chân chính vì con người. Khi đó, tác phẩm văn học sẽ được đón nhận, được lưu truyền và trở thành món ăn tinh thần của tất cả mọi người ở mọi thời đại.

Ý kiến trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 là sự đánh giá tổng hợp về các giá trị của tác phẩm văn học, vừa như một sự định hướng vừa là một yêu cầu đối với mỗi người cầm bút trong sáng tác văn chương.

Giá trị "mĩ" trong văn học

Nhà văn Đinh Quang Tốn từng đưa ra quan niệm "mĩ" là cái đẹp. Tác phẩm văn chương phải đẹp thì mọi người đều thống nhất. Nhưng thế nào là đẹp thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Cái đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp của hình thức nghệ thuật. Nhưng nội dung và hình thức biểu hiện hay đi liền với nhau. Một hình thức rối rắm, xộc xệch, lủng củng thường không thể chứa đựng được điều gì tốt đẹp.

Trong quá trình con người đồng hóa tự nhiên về mặt thẩm mĩ thì nghệ thuật là hình thái cao nhất, tập trung nhất, đầy đủ nhất của quan hệ thẩm mĩ của con người đối với hiện thực. Nghệ thuật thực hiện chức năng thẩm mĩ bằng nhiều cách.

Trước hết văn chương làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc bằng việc miêu tả và phản ánh cái đẹp trong tự nhiên và xã hội. Nghệ thuật không chỉ miêu tả, phản ánh cái đẹp mà còn sáng tạo ra cái đẹp mới vốn không có trong hiện thực - khi đó tác phẩm nghệ thuật được tạo thành.

Nghệ thuật phát huy tác dụng chức năng thẩm mĩ đối với con người bằng cách rèn luyện năng lực thẩm mĩ cho con người trên rất nhiều bình diện: Nghệ thuật làm cho cảm xúc thẩm mĩ của con người ngày một tinh tế. Nghệ thuật đào tạo năng khiếu thẩm mĩ, tức là tạo ra năng lực sáng tạo, đánh giá cái đẹp của con người. Nghệ thuật cung cấp cho con người quan điểm thẩm mĩ, thái độ thẩm mĩ một cách sinh động và sâu sắc. Nghệ thuật xây dựng cho con người lí tưởng thẩm mĩ.

Thí sinh làm bài thi phải làm sáng tỏ giá trị "mĩ" qua một số tác phẩm văn học. Ví dụ: Tác phẩm "Hai đứa trẻ", nhà văn Thạch Lam đã có những sáng tạo riêng, độc đáo về hình thức nghệ thuật, tạo nên một tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ trữ tình, nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng.

"Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu với nghệ thuật xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống. Đặc biệt là sự đổi mới ngòi bút phù hợp với việc phản ánh hiện thực trong nền văn học mới sau chiến tranh. Tác giả đã đổi mới đề tài, đổi mới cách tiếp cận cuộc sống, đổi mới cái nhìn đối với người nghệ sĩ trong thời cuộc.