Chàng trai dân tộc Mường vượt khó đậu Trường Đại học Dược Hà Nội

Lam Linh
11:46 - 04/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sinh ra trong khó khăn nhưng chàng trai dân tộc Mường - Quốc Đạt đã kiên cường, nỗ lực học tập và chinh phục giấc mơ đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội.

Nguyễn Quốc Đạt (sinh năm 2004), là người dân tộc Mường, quê ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mất sớm từ thuở nhỏ, mẹ thì đi làm xa phương nên Quốc Đạt sống cùng bà nội và gia đình chú thím từ đó.

Chàng trai dân tộc Mường Quốc Đạt vượt khó đậu Trường Đại học Dược Hà Nội - Ảnh 1.

Nguyễn Quốc Đạt - sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đối mặt với những bất hạnh của số phận, Nguyễn Quốc Đạt đã không đầu hàng, nản chí hay chểnh mảng trong học tập. Đạt nghĩ rằng, cách duy nhất để thay đổi hoàn cảnh của mình đó là cố gắng học tập tốt rồi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng và có nghề nghiệp ổn định trong tương lai.

Hành trình để đến với cánh cổng đại học của Quốc Đạt là một hành trình đầy nghị lực. Vượt lên số phận của chính mình, kiên trì học tập trong khi đói nghèo đeo bám, Quốc Đạt đã có một kết quả thật đẹp mà theo anh đó là "kỳ tích" của bản thân. Chàng trai dân tộc ấy đã đỗ vào ngành Dược học của Trường Đại học Dược Hà Nội với một kết quả mỹ mãn: 27,95 điểm cho 3 môn Toán, Vật lý, và Hóa học.

Khát khao đậu đại học của chàng trai dân tộc Mường

Ước mơ vào đại học tưởng chừng như là đơn giản, dễ dàng với bao bạn trẻ khác, thì với Quốc Đạt lại khó khăn hơn bao giờ hết bởi điều kiện gia đình không được khá giả.

Quốc Đạt chia sẻ rằng, trước khi bước chân vào lớp 10, cậu đã cảm thấy việc đi học đại học là một điều xa xỉ. Vậy nên, Quốc Đạt nghĩ chỉ cần cố học nốt cấp 3, có bằng tốt nghiệp rồi sẽ đi làm luôn để kiếm kế sinh nhai.

Có thể thấy, chính cái nghèo khó đã khiến chàng trai này không thể bình thản tận hưởng những năm tháng học hành vô tư, không âu lo từ khi chỉ mới 15-16 tuổi. Tưởng chừng như học xong cấp 3 cũng chính là lúc khép lại hành trình học tập và việc đặt chân vào cánh cửa đại học lại càng là điều sẽ không bao giờ xảy ra với Quốc Đạt. Song, mọi chuyện lại diễn ra mà theo lời chàng trai này nói là "khá bất ngờ".

"Thi vào lớp 10, tôi khá bất ngờ vì bản thân đỗ vào lớp chọn khối A - lớp học được coi là ưu tú nhất của Trường Trung học phổ thông Cẩm Thủy I (Thanh Hóa). Tuy đậu vào lớp chọn nhưng bản thân tôi vẫn nghĩ chỉ cần học xong cấp 3 là điều tuyệt vời rồi. Bản thân lúc đó không có tham vọng lớn cộng thêm không tự tin vào khả năng có thể "trụ lại" ở lớp chất lượng cao nên tôi đã nộp đơn xin chuyển sang lớp khác để được học "nhẹ" hơn. Nhưng sau 2 lần nộp đơn, tôi được thầy cô giáo động viên, khuyên bảo cố gắng học tập nên việc xin chuyển sang lớp thường của tôi đã "thất bại", Quốc Đạt kể.

Sau khi trải qua kỳ thi học kỳ 1 lớp 10, Quốc Đạt đã khá "sốc" vì điểm trung bình môn cực thấp, gần như đứng đáy danh sách lớp. Nhận kết quả học tập, ngay trong đêm đấy, Đạt bắt đầu suy nghĩ về con đường học hành và tự nhủ không thể đổ lỗi cho bản thân cũng như hoàn cảnh để không có khát khao trong học tập. Vì vậy, Quốc Đạt nhận ra thay vì than vãn về môi trường học tập, buông xuôi với tâm lý "học nốt cấp 3 cho xong" thì cậu cảm thấy mình sẽ phải quyết tâm và chăm chỉ hơn.

Ý thức học tập sau đó đã thôi thúc bản thân Quốc Đạt cố gắng nỗ lực học tập mỗi ngày, từng bước cải thiện điểm số để đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Từ đó, chàng trai này đã cảm thấy phấn khởi, hứng thú và quyết tâm hơn trong học tập.

Nói về lý do quyết tâm đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội, Quốc Đạt chia sẻ, bên cạnh việc đạt danh hiệu học sinh Giỏi như "1 cú huých" cho ý chí phấn đấu vươn lên thì người thím cũng chính là người mẹ thứ 2 của cậu là động lực để chàng trai từng bước chinh phục cánh cổng đại học.

Quan tâm và nhận thấy Quốc Đạt có khả năng học tập, thím của cậu đã động viên chàng trai ấy hãy cố gắng học tập để thoát cảnh nghèo nàn, bao đời lao động chân tay vất vả. Với suy nghĩ, ngành Dược luôn cần thiết trong mọi thời đại, với mọi người dân, người thím của Quốc Đạt đã định hướng chọn ngành và chọn nghề, động viên chàng trai hãy nỗ lực để đậu Trường Đại học Dược Hà Nội.

Trong hoàn cảnh chật vật, chênh vênh và thời điểm cần sự định hướng của người lớn, những lời khuyên nhủ của người thím đã khiến Quốc Đạt bắt đầu suy nghĩ lại về cuộc sống trong tương lai. Lấy gia đình làm trung tâm, thương bà nội đã già yếu, chú thím cũng còn vất vả, mẹ thì đi làm tứ xứ, chàng trai miền sơn cước ấy đã nảy ra những ham muốn và ước mơ rằng: "Đã không học thì thôi, nhưng nếu như đi học, phải học cho ra học".

Suy nghĩ đấy bắt đầu len lỏi dần vào ý thức bản thân, đưa Quốc Đạt đến một quyết định rằng, muốn cuộc sống bản thân và gia đình tốt hơn thì phải đậu vào Trường Đại học Dược Hà Nội.

Quốc Đạt "bật mí" bí kíp ôn thi 

Lập lộ trình học tập chỉn chu càng sớm càng tốt

Quyết tâm đậu đại học trở nên cháy bỏng hơn bao giờ hết, Quốc Đạt đã lập ra một kế hoạch ôn thi rất chỉn chu từ cuối năm học lớp 10.

Quốc Đạt nhấn mạnh: "Từ kinh nghiệm của bản thân, để có thể đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên lập kế hoạch học tập càng sớm càng tốt, có thể ngay từ khi vào lớp 10. Những bạn đạt điểm cao ở kỳ thi vào 10 và đỗ vào trường theo đúng nguyện vọng, đừng "ngủ quên trên chiến thắng", hãy cân nhắc điểm của từng môn, phát hiện thế mạnh của bản thân, từ đó tạo động lực học tập và chọn tổ hợp môn phù hợp sẽ theo đuổi".

Quốc Đạt cho biết, từ năm học lớp 11 đến lớp 12, cậu tập trung bám sát và học theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Quốc Đạt cũng chăm chú nghe thầy cô giảng bài trên lớp và chịu khó tìm tòi, khám phá cách giải một bài tập.

Chàng trai này cho rằng, khi đã có đủ kiến thức nền tảng, gốc rễ của môn học thì đến khi ôn thi đại học ai cũng sẽ cảm thấy khá nhàn và đỡ áp lực hơn. Bên cạnh đó, khi đã nắm vững kiến thức cơ bản thì trong thời gian "chạy nước rút" để ôn thi, bản thân sẽ cảm thấy càng học, càng nghiên cứu sẽ càng cảm thấy thực sự cuốn hút não bộ.

Chia sẻ về việc đi học thêm, Quốc Đạt nói rằng, bản thân cậu đã rất muốn đi học thêm từ sớm để có thể tiếp thu nhiều kiến thức mới mẻ. "Nếu chăm chú nghe giảng, chúng ta sẽ cảm thấy bài giảng đấy trên lớp học sẽ rất cuốn. Và khi đi học thêm, thầy cô sẽ đi sâu vào phân tích thì mình sẽ càng cảm thấy thú vị và hiểu rõ vấn đề hơn", Quốc Đạt bày tỏ.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh, tận cuối năm lớp 11 Đạt mới xin gia đình để được đi học thêm. Quốc Đạt cho rằng "học chưa bao giờ là muộn" và coi chân lý này hoàn toàn đúng với những người có hoàn cảnh như mình.

Chàng trai dân tộc Mường Quốc Đạt vượt khó đậu Trường Đại học Dược Hà Nội - Ảnh 4.

Quốc Đạt nhờ nỗ lực bản thân hiện đã trở thành sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện

Bên cạnh việc học thêm, Quốc Đạt cũng đề cao vai trò của tinh thần tự học. Chàng trai này cho rằng, nếu không tự giác học tập thì việc đi học thêm cũng vô ích, thậm chí gây ra hệ lụy về sau này vô cùng phức tạp.

Theo Quốc Đạt, việc ghi chép bài vở đầy đủ và tập thói quen nghiêm túc tự học ở nhà sẽ giúp mọi người không bị quá căng thẳng trong thời gian ôn thi đại học. Bởi chú ý nghe giảng, ghi lại mọi thứ được học cẩn thận và tự luyện tập ở nhà đã giúp Quốc Đạt nắm vững nền tảng kiến thức cơ bản trong suốt 3 năm học cấp 3.

Bên cạnh ôn thi, phải quan tâm chăm sóc sức khỏe

Bên cạnh việc chăm chỉ ôn luyện kiến thức và các dạng đề thi, Quốc Đạt cho rằng, việc chú trọng đến sức khỏe bản thân, sắp xếp thời gian ăn uống, ngủ nghỉ thật hợp lý và khoa học cũng đặc biệt quan trọng.

"Tôi không tự ép bản thân mình căng sức. Cân bằng được thời gian học luyện và giải trí, nghỉ ngơi sẽ khiến bản thân không cảm thấy chật vật, chán nản và áp lực nữa. Từ đó, việc ôn thi cũng suôn sẻ hơn rất nhiều", Quốc Đạt chia sẻ.

Theo Quốc Đạt, đến năm lớp 12 thì thời gian đi học và ôn thi sẽ có chút thay đổi. Đó là phải nghiêm khắc hơn với bản thân. Tìm hiểu phương pháp phân bổ thời gian học tập hợp lý để việc học đạt hiệu quả trong năm học cuối cấp này, Quốc Đạt đã để ý đến khái niệm "giờ giấc sinh học".

Quốc Đạt chia sẻ cảm nhận về việc áp dụng phương pháp này: "Khi đi ngủ lúc 12 giờ hoặc 12 rưỡi đêm thì cơ thể có thể dậy lúc 4 giờ hoặc 4 giờ 30 sáng mà không cảm thấy uể oải. Bên cạnh đó, buổi trưa chỉ cần ngủ 1 tiếng là bản thân tôi đã tích được kha khá năng lượng hoạt động cho cả ngày hôm đấy rồi".

Tuy nhiên, Quốc Đạt cho rằng, không nên thực hiện "giờ giấc sinh học" từ đầu lớp 12. Bởi học kỳ 1 mọi người phải cấp tốc học hết chương trình để bắt đầu ôn thi đại học. Do đó, nên thực hiện đồng hồ sinh học vào đầu kỳ 2 của năm học - giai đoạn "chạy nước rút" trước kỳ thi để ôn luyện hiệu quả.

"Đặt ra mục tiêu là hôm nay phải ôn xong phần nào, 4 giờ sáng mai dậy học thì phải hoàn thành đúng bấy nhiêu câu trong đề ôn luyện và tập cách bấm thời gian khi luyện đề - đó là cách tôi đã ôn thi đại học trong khoảng thời gian ngắn", Quốc Đạt nói.

Một điều nữa, Quốc Đạt lưu ý là thời gian để giải trí như xem phim hay lướt điện thoại cũng nằm trong khái niệm "giờ sinh học". Vì vậy, Quốc Đạt mách nước là nên dành một khoảng thời gian để thư giãn cho cả ngày đã "căng não" ôn luyện.

Nói đến khối lượng kiến thức ôn thi, Quốc Đạt chia sẻ: "Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, cơ cấu đề thi gồm ngần ấy câu, với 3 môn khối A thì đều căng như nhau. Nên không có chuyện tôi ưu tiên môn nào học nhiều và môn nào học ít mà phải san gần đều thời gian ôn 3 môn thật hiệu quả".

Nguyễn Quốc Đạt - sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội
Ai cũng dễ mắc phải tâm lý chủ quan khi làm bài thi trong việc "hạ thấp" tầm quan trọng của câu dễ, theo kiểu làm nhanh vội và tập trung vào làm câu khó để đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, câu khó và câu dễ thì mỗi câu mức điểm đều như nhau. Bên cạnh đó, câu dễ có rất nhiều trong bài nhưng cũng rất dễ khiến chúng ta "mang tiếng" là sai ngớ ngẩn.

Chính vì vậy, không muốn bản thân phải dằn vặt sau kỳ thi kiểu "sao dễ thế lại làm sai", nên Quốc Đạt luôn cẩn thận với từng câu hỏi mà không phân biệt câu khó hay câu dễ.

Sau một hành trình dài chinh phục được ước mơ đậu đại học, Quốc Đạt đã tự rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân. Đó là quá trình nỗ lực và sự cố gắng chỉ được công nhận khi chúng ta đã xuất sắc đạt được thành quả, nếu không mặc nhiên mọi công sức sẽ bị phủ nhận.

Từ một người ban đầu chẳng có ý chí và nghị lực, thậm chí còn suy nghĩ học nhiều chẳng để làm gì đến đỗ vào Trường Đại học Dược Hà Nội, Quốc Đạt bày tỏ: "Nếu không cố gắng hết sức thì sẽ không khai phá được năng lực tiềm ẩn và sẽ vô tình đánh mất đi cơ hội của bản thân một cách đáng tiếc. Đồng thời, học là con đường ngắn nhất để đến với thành công, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Bên cạnh đó, đối với những người không có điều kiện dư giả thì phải cố gắng hơn người bình thường, đó là điều hiển nhiên".