Lớp học "7 trong 1" ở đảo Hòn Chuối

Lê Khoa
11:15 - 22/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) còn là chỗ dựa vững chắc cho cư dân trên đảo. Hiện nay, việc học hành của con em ngư dân trên đảo đều do Đồn Biên phòng Hòn Chuối đảm nhiệm.

Lớp học "7 trong 1" ở đảo Hòn Chuối  - Ảnh 1.

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục và học trò đảo Hòn Chuối vẫn vượt dốc đều đặn hàng ngày lên lớp. Ảnh: Lê Khoa

Màu xanh hy vọng ở đảo Hòn Chuối

Cho đến nay, lớp học mà Bộ đội Biên phòng dựng lên 20 năm trước tạm bợ bằng cây lá đã được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, trên đảo Hòn Chuối xa xôi này, việc dạy và học của thầy trò vẫn gặp vô vàn khó khăn.

Hiện tại, thầy giáo quân hàm xanh vẫn đứng lớp là Thiếu tá Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Học trò cũng không giống bất kỳ ngôi trường nào trong đất liền, bởi các em có nhiều lứa tuổi khác nhau. Năm học 2022-2023, lớp học này có 18 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Trong đó có nhiều em là con em của đồng bào Khmer. 

Lớp học "7 trong 1" ở đảo Hòn Chuối  - Ảnh 3.

Thầy Trần Bình Phục với lớp học "7 trong 1". Ảnh: Lê Khoa

Ghé thăm lớp học của thầy Trần Bình Phục, bất ngờ khi thấy 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng lại chia thành 2-3 phần, mỗi phần có một nội dung học khác nhau. Học trò nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, nhóm ngồi ngang. Thầy giáo Trần Bình Phục trong buổi giảng dạy đi vòng tròn để giảng giải cho học trò theo từng nhóm lớp.

Những đứa trẻ sạch sẽ, tinh tươm trong bộ đồng phục học trò, chăm chỉ ngồi ghi từng nét chữ, lễ phép khi thấy người lạ xuất hiện… mới hiểu công sức mà thầy Phục và các đồng đội của anh đã dành cho con em cư dân trên đảo như thế nào. Với thầy giáo Trần Bình Phục, "để trẻ biết ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ rất quan trọng. Con người ta còn mơ ước là còn phấn đấu và sẽ luôn có niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn" - người lính quân hàm xanh chia sẻ. 

Hằng đêm, sau tiếng còi báo ngủ, anh em trong đơn vị đều tắt đèn, lên giường, nhưng phòng Thiếu tá Phục vẫn sáng đèn. Công việc soạn giáo án cho 6 lớp học đã chiếm hầu hết thời gian rảnh của anh. Thiếu tá Phục bộc bạch: "Học trò học ở đảo, rồi vào đất liền học tiếp. Ngắm những tấm giấy khen học trò mang đến khoe, tôi mừng muốn rớt nước mắt. Hạnh phúc của tôi giờ chính là lớp học nhỏ này".

Là cư dân sinh sống lâu năm trên đảo, bà Nguyễn Thu Lan đã chứng kiến những việc làm hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Bà Lan cho hay, các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Hòn Chuối này không chỉ dạy cho bọn trẻ trên đảo biết đọc, biết viết, mà các chú còn kiêm luôn cả việc làm cha, làm anh bọn trẻ. Không có mấy chú bộ đội chơi với chúng hằng ngày, bọn trẻ cũng buồn. Ngoài giờ học, nhiều đứa còn vào đồn để tìm thầy. Lúc rảnh mấy anh còn dẫn chúng ra ghềnh đá câu cá - bà Lan chia sẻ. 

Vì địa hình hiểm trở, nhất là vào mùa gió lớn, hoặc bên gành Nam, không an tâm cho trẻ nhỏ tự đi qua những đoạn dốc để đến lớp, nên mỗi sáng cứ tầm 6 giờ 30 là học trò tập trung dưới chân đảo để các chú bộ đội xuống dắt lên lớp học. Em bé nào nhỏ quá các chú cứ cõng trên vai, riết thành quen. Cứ thế hàng ngày, đưa trẻ lên dạy xong, thầy giáo quân hàm xanh lại đưa các em về với gia đình.

Thật vui mừng vì bà Nguyễn Thu Lan chia sẻ, từ lớp học tình thương này con trai lớn của bà đã vào bờ tiếp tục theo học và đã tốt nghiệp trường Đại học Bình Dương phân hiệu tại Cà Mau. Đứa con nhỏ của bà cũng đang học tại đây mang theo nhiều hy vọng của gia đình. 

Thấu hiểu và cảm thông việc dạy và học của thầy trò trên đảo như thế nào, người dân trên đảo thấu hiểu hơn cả nỗi vất vả, sự kiên nhẫn của thầy và trò.  Bà Nguyễn Thu Lan cũng là người biết trước tiên ngày nào, bé nào vắng, bé nào ốm không đến lớp được. Anh em Bộ đội Biên phòng trên đảo hay gọi vui bà là "bà Lan giám thị".

Lớp học "7 trong 1" ở đảo Hòn Chuối  - Ảnh 4.

Sân chơi bên cạnh lớp học được Đồn Biên phòng Hòn Chuối (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) được những người lính bỏ công sức và huy động đóng góp của các các cấp, các ngành, nhà hảo tâm xây dựng. Ảnh: Lê Khoa

Neo lại tình thương quân và dân đảo Hòn Chuối

Tranh thủ giờ ra chơi, Thiếu tá Trần Bình Phục chia sẻ: Lớp học được hình thành từ lòng nhiệt huyết yêu thương của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Từ lớp học này gia đình nào có điều kiện thì tiếp tục cho con vào bờ theo học chương trình cao hơn. Những em khác không có điều kiện thì ở lại đảo xây dựng hạnh phúc gia đình, bám đảo, bám biển phát triển kinh tế, xây dựng đảo. 

Nhờ sự động viên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và quyết tâm của các em học sinh mà đến nay trên đảo đã có 5 em học xong chương trình đại học. Cùng với sự trưởng thành của các em thì cũng có những thầy giáo quân hàm xanh năm xưa đã nghỉ hưu, chuyển ngành và nhiều thầy giáo là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội trở về địa phương tiếp tục xây dựng quê hương.

Bên căn nhà cây lá tạm dựng bên vách đá, anh Nguyễn Phát Huy, cư dân đảo Hòn Chuối chia sẻ: Gia đình anh thuộc hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào nghề câu cá quanh đảo, nhưng khi biển động thì ở không. Anh cũng có 2 đứa con đã được Thầy Trần Bình Phục dạy học, khi lên cấp 2 thì gửi vào bờ đi học tiếp. Hiện tại anh chị đang nuôi đứa cháu con của chị gái là Nguyễn Hoàng Hạo, học lớp 3. Cha mẹ Hạo ly hôn, rồi đều bỏ đảo đi tìm cuộc sống mới, Hạo ở lại với ông bà ngoại, nhưng bà ngoại cũng mất vào năm 2022, ông ngoại lại đi ở chỗ khác, nên Hạo thêm 1 lần bơ vơ và được cậu Huy đem về nuôi.

Theo nhận xét của thầy giáo Phục, bé Hạo là học sinh chăm ngoan, lễ phép, có học lực khá. Thấu hiểu gia đình hoàn cảnh nên Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã nhận hỗ trợ bé Hạo và 1 bé khác trên đảo mỗi tháng 500 ngàn đồng theo chương trình "Nâng bước em đến trường". Nhờ đó, các em có điều kiện hơn để học, để nuôi ước mơ của mình như thầy Phục đã nói. 

Lớp học "7 trong 1" ở đảo Hòn Chuối  - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trong chuyến ra thăm, tặng quà các học sinh trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa

"Chúng tôi dạy các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính, nên thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Dù nơi đảo xa và lớp học nằm heo hút trên đỉnh cao của đảo, xung quanh là những cây xoài già bao phủ. Mỗi ngày lên lớp cả thầy và trò phải leo qua hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì mồ hôi nhễ nhãi, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem nhưng không vì thế mà các em vắng lớp" - Thầy giáo Phục chia sẻ thêm.      

Ở xa đất liền, nhưng tình quân dân trên đảo luôn đoàn kết gắn bó, từ ký gạo, lít nước ngọt họ đều chia sẻ cho nhau khi thiếu hay biển động. Cái tình, cái nghĩa quân dân đã góp phần xây dựng đảo Hòn Chuối thành mái nhà chung đầm ấm, giúp cư dân an tâm sinh sống, bám biển cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.