Lo lắng với điểm Ngữ văn quá cao

Nguyễn Khanh
17:48 - 27/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo dữ liệu Kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có 5 điểm 10 môn Ngữ văn. So với năm 2021, điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay cao hơn nhiều. Liệu có ẩn chứa sự bất thường nào ở đây?

Nhiều năm qua, khi nói về dạy và học môn Ngữ văn ở các trường phổ thông, dư luận luôn có sự quan tâm đặc biệt và có cả sự lo ngại về cách dạy, cách học và cách ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn.

Điểm văn cao bất thường

Thế nhưng, theo dữ liệu Kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 981.400 thí sinh dự thi môn Ngữ văn. Điểm trung bình môn Ngữ văn năm nay là 6,51, cao hơn 0,04 điểm so với năm 2021. 

Đỉnh của phổ điểm môn Ngữ văn năm nay là 7,0 điểm với hơn 75.000 thí sinh đạt được. 

Số thí sinh có điểm dưới trung bình là gần 114.000 em (chiếm 11,6%).

Năm nay cũng ghi nhận hẳn 10 tỉnh thành có điểm thi trung bình môn Ngữ văn trên 7 điểm, bao gồm: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nam Định...

Cá biệt có 44 học sinh lớp 12D1, Trường Trung học phổ thông Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đạt từ 9 điểm Ngữ văn trở lên. Trong đó, 6 em đạt 9,75 điểm môn Văn; 11 em đạt 9,5 điểm; 9 em đạt 9,25; 14 em đạt 9 điểm; 3 em đạt 8,75 và 1 em đạt 8,5 điểm. Điểm trung bình môn Ngữ văn của lớp này là 9,25 điểm.

Theo hướng dẫn đánh giá, xếp loại kết quả học tập hiện nay đối với học sinh, điểm trung bình có thang điểm từ 5,0 - 6,4 điểm; điểm khá từ 6,5 - 7,9 điểm; điểm giỏi từ 8,0 – 10 điểm. Như vậy, với 6,51 điểm thì điểm thi trung bình của 981.400 thí sinh dự thi môn Ngữ văn năm nay đã đạt ngưỡng điểm khá. 

Liệu thông qua kết quả này, đã có thể đánh giá việc dạy và học Ngữ văn trong các trường phổ thông có một bước tiến mới hay chưa? Dựa vào việc đánh giá điểm số này, chúng ta có thể lạc quan về phương pháp dạy và học môn Ngữ văn hiện nay không?

Chỉ số học tập, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều khả quan như vậy, nhưng tại sao công chúng vẫn băn khoăn về chất lượng dạy và học, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải chỉ đạo gấp bằng Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông kể từ năm học 2022 - 2023 tới đây?

Mấu chốt của các vấn đề này nằm ở phía sau những điểm số đẹp như mơ của môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm Ngữ văn cao do đâu? 

Là một giáo viên đang dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông, thường xuyên theo dõi kết quả tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn hàng chục năm nay, tôi trăn trở nhiều điều.

Nếu nói rằng điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn có phần dễ dãi trong chấm điểm thì sẽ sa vào chủ quan, phiến diện. Nhưng nếu nói rằng điểm học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông phản ánh trung thực, khách quan về trình độ, năng lực của học sinh hiện nay thì chắc chắn không chính xác. 

Thứ nhất, muốn biết chất lượng thật của môn Ngữ văn hiện nay ra sao, hãy cứ nhìn vào điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm. Trong đó, phần lớn các địa phương có điểm thi môn Ngữ văn khá thấp, không nhiều địa phương có  60 - 70 % thí sinh đạt điểm môn Ngữ văn từ trung bình trở lên. Và học sinh đạt điểm 5, điểm 6 là nhiều nhất, còn rất ít em đạt được điểm khá, giỏi.

Vậy nhưng, sau 3 năm học trung học phổ thông, cũng chính những học sinh này đã có sự tiến bộ vượt bậc đến mức ngỡ ngàng về điểm số.

Thứ hai, chấm điểm Ngữ văn thường rất khắt khe với những yêu cầu về câu chữ, ngữ pháp, cách liên kết câu, liên kết đoạn, cách cảm thụ hình tượng văn học, cách chia bố cục bài viết, mở rộng vấn đề…, nên những thầy cô giỏi, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với học trò rất ít khi cho điểm 9, điểm 10 môn Ngữ văn.

Tuy nhiên, trong mặt bằng chung của các tỉnh với hàng chục ngàn học sinh dự thi, mà kỳ thi năm 2022 vừa qua có tới 11 tỉnh đạt điểm thi trung bình môn Ngữ văn lên đến trên 7 điểm. thì đó là điều… rất khó nhận định. Bởi với điểm thi trung bình của cả tỉnh như vậy, nhiều người cứ nghĩ đó là điểm dành riêng cho học sinh chuyên Văn, chứ không phải là học sinh đại trà của cả một tỉnh, một thành phố.

Học sinh phổ thông có 12 năm học tập liên tục từ lớp 1 đến lớp 12, đòi hỏi quá trình học tập, rèn luyện từ thấp đến cao. Vì thế, không có chuyện cuối cấp trung học cơ sở với không nhiều học sinh có năng khiếu Ngữ văn (một phần thể hiện qua điểm số tuyển sinh vào lớp 10), nhưng lên đến cấp trung học phổ thông, hầu như học sinh lại có năng khiếu môn Ngữ văn đặc biệt đến vậy.

Như vậy, bàn về bất cập trong dạy và học Ngữ văn, vẫn nhiều câu hỏi được đặt ra. Phải chăng cách dạy và học Ngữ văn ngày càng bị khuôn mẫu, lệ thuộc đáp án và chấm điểm đại trà?

Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ trở lại vấn đề này với ý kiến các chuyên gia. 

Lo lắng với điểm Ngữ văn quá cao - Ảnh 3.

Biểu đồ phổ điểm môn Ngữ văn Kì thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2022. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo