Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến

Hồng Ngọc
08:42 - 16/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với quảng cáo thủ tục thuận tiện, giải ngân nhanh trên mạng xã hội, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo cũ - nạn nhân mới

Theo Cổng Thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội, hiện Công an quận Đống Đa đang điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 300 triệu đồng bằng thủ đoạn cho vay tiền online.

Theo đó, anh Đ (trú tại Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại giới thiệu là nhân viên ngân hàng, đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn. Do có nhu cầu nên anh đã đồng ý làm thủ tục vay. Các đối tượng yêu cầu anh Đ phải đóng 6 triệu đồng để làm hợp đồng.

Tuy nhiên, các đối tượng thông báo anh gửi sai tài khoản nên phải gửi lại. Sau khi gửi lại, các đối tượng thông báo phải chuyển tiếp 9 triệu đồng để làm bảo hiểm hợp đồng. Chờ mãi không thấy giải ngân, anh Đ lại nhận được yêu cầu phải đóng thêm tiền lãi hàng tháng. Tổng số tiền anh đã chuyển 300 triệu đồng nhưng chưa được giải ngân khoản vay. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an quận Đống Đa trình báo.

Mất 300 triệu đồng vì sập bẫy lừa đảo vay tiền trực tuyến - Ảnh 1.

Cảnh giác với những lời mời chào cho vay trực tuyến để tránh mất tiền oan. Ảnh: Moneycontrol

Trước đó, Công an quận Cầu Giấy đã tiếp nhận đơn trình báo của anh H về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự. Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, anh H đã lên mạng Internet để tìm kiếm thông tin. Sau đó anh được nhân viên công ty tài chính hướng dẫn làm thủ tục vay tiền. Tuy nhiên, nhân viên báo hồ sơ vay của anh H bị sai số cần phải đóng tiền để giải ngân. Anh H đã gửi 45 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này anh H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an quận Cầu Giấy trình báo.

Cảnh giác với "bẫy" của các đối tượng lừa đảo

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.

Đa phần các nạn nhân thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Thêm vào đó, các đối tượng xấu cũng đánh trúng tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng vay tiền.

Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt, tài khoản ngân hàng, mã OTP…) cho bất kì ai khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên; không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.

Người dân cần nhanh chóng trình báo công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời.

Một số thủ đoạn mạo danh, dẫn dụ người vay tiền các đối tượng lừa đảo thường sử dụng:

Mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam; tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.

Tạo lập hàng nghìn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp.

Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, ảnh chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ảnh chụp chân dung…) để làm hồ sơ vay tiền.


Bình luận của bạn

Bình luận