Cảnh giác với lời mời làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người

Hồng Ngọc
10:17 - 17/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng, tính chất tội phạm nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, chủ yếu xảy ra trên các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Cảnh giác với lời mời làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi

Tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, do thị trường lao động đang chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng. Hàng chục nghìn lao động phổ thông mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, do đó nhu cầu tìm việc làm, chuyển dịch lao động đến các khu công nghiệp, thành thị, nhu cầu xuất khẩu lao động, hôn nhân với người nước ngoài tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người trái phép.

Trong quý III/2023, các đơn vị địa phương phát hiện, điều tra 85 vụ với 230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; xác định có 224 nạn nhân bị mua bán. Riêng đợt Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ 1/7 đến 30/9/2023), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 234 đối tượng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người luôn tiềm ẩn xu hướng gia tăng, tính chất tội phạm nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, chủ yếu xảy ra trên các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; đội lốt dưới các vỏ bọc cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp; ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân...

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia, phổ biến là: Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, điện thoại, sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu có, nhàn hạ, sau đó lừa bán nạn nhân ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc bán vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện trong nước.

Không gian mạng vẫn là điểm nóng để các nhóm đối tượng lừa đảo, tuyển người lao động tìm việc làm việc nhẹ lương cao và lừa bán nạn nhân. Tuyến biên giới vẫn là địa bàn "nóng", tội phạm mua bán người lợi dụng đưa người xuất cảnh trái phép hoặc lừa bán nạn nhân qua biên giới đưa sang nước thứ ba.

Nổi lên là khu vực Đông Nam Á tình trạng hoạt động lừa đảo trực tuyến tại các sòng bạc, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến, trong đó Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines là điểm đến chủ yếu, Thái Lan là địa bàn trung chuyển . Mặc dù chính quyền một số nước đã tăng cường trấn áp tội phạm, kiểm tra các cơ sở sòng bạc, trò chơi trực tuyến, kiểm soát chặt chẽ đi lại ở khu vực biên giới nhưng tình hình lừa đảo lao động qua mạng chưa có dấu hiệu giảm.

Các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài như Thái Lan, Myanmar để tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang Myanmar làm việc nhẹ lương cao. Tại Myanmar, nạn nhân bị bắt làm những công việc như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên máy tính, làm việc trong các Casino tại các công ty do người Trung Quốc làm chủ. Nạn nhân muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn.

Cảnh giác, cân nhắc kỹ trước những lời mời chào đi lao động, làm việc ở nước ngoài

Bộ Công an khuyến cáo người dân luôn cảnh giác, cân nhắc kỹ trước những lời mời chào đi lao động, làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Theo đó, trước khi muốn đi xuất khẩu lao động ở nước nào, người dân cần phải tìm hiểu kỹ thị trường và những công ty, trung tâm xuất khẩu lao động của Nhà nước hoặc tư nhân được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài để được đảm bảo quyền lợi, tránh những trường hợp đăng ký ở những công ty, trung tâm chưa được cấp phép dẫn đến tiền mất, nhưng vẫn không được xuất cảnh đi lao động.

Trong thời gian xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người lao động Việt Nam phải chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại và những điều đã ký kết trong hợp đồng, hết hạn hợp đồng phải về nước theo quy định, tránh trường hợp trốn ở lại, những trường hợp trốn ở lại nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh trong khoảng thời gian nhất định tùy theo pháp luật mỗi nước.

Nếu trong quá trình lao động có vấn đề gì phát sinh, người lao động phải liên hệ với công ty, trung tâm chủ quản đưa mình đi để giải quyết.

Cảnh giác với lời mời làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người- Ảnh 3.

Công an tuyên truyền cho người dân về phòng chống tội phạm mua bán người. Ảnh: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Khi đi xuất khẩu lao động, nếu chẳng may vướng vào các đường dây đưa người đi lao động “chui” ở nước ngoài và bị cơ quan nước ngoài bắt giữ, trước hết cần liên hệ ngay về gia đình để họ trình báo với cơ quan chức năng, tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân về nước. Sau khi về nước thì người lao động phải trình báo sự việc với cơ quan chức năng địa phương để có hướng giải quyết tùy vào tính chất vụ việc.

Bộ Công an cũng đề nghị người dân, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hoặc số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện, tổng đài bảo hộ công dân: +84981.848484.

Tội mua bán người

Điều 150, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2027 quy định về tội "Mua bán người" như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì động cơ đê hèn;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Đối với từ 2 người đến 5 người;

e) Phạm tội 2 lần trở lên.

Cảnh giác với lời mời làm việc ở nước ngoài để không trở thành nạn nhận của tội phạm mua bán người- Ảnh 4.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu thi hành Quyết định khởi tố, Lệnh bắt tạm giam đối tượng trong đường dây mua bán người. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

đ) Đối với 06 người trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, theo Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" được quy định như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 2 người đến 05 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 2 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 6 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an