Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng SIM cá nhân

H.Ngọc
17:04 - 31/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều đối tượng giả mạo là người của Cục Viễn thông hoặc nhà mạng nhắn tin, gọi điện thông báo cho người dân biết số điện thoại sẽ bị khóa nếu không kịp thời chuẩn hóa thông tin.

Thủ đoạn vô hiệu hóa SIM và chiếm đoạt số thuê bao

Nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng. Sau ngày 31/3/2023, các thuê bao có thông tin đăng ký chưa đúng, không chuẩn hóa thông tin theo dữ liệu dân cư quốc gia sẽ bị khóa một chiều.

Theo Công an thành phố Hà Nội, lợi dụng việc này, nhiều đối tượng giả mạo là người của Cục Viễn thông hoặc nhà mạng đã nhắn tin, gọi điện, sử dụng giọng nói tự động thông báo cho bị hại biết số điện thoại sẽ bị khóa nếu không kịp thời chuẩn hóa thông tin. 

Cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng SIM cá nhân - Ảnh 1.

Nhà mạng Viettel cảnh báo khách hàng về hình thức lừa đảo này.

Đối tượng yêu cầu người dùng điện thoại phải khai báo thông tin cá nhân và cung cấp mã OTP được gửi về máy điện thoại. Từ các thông tin trên, đối tượng tiến hành vô hiệu hóa SIM điện thoại của bị hại và chiếm đoạt số thuê bao này. Đối tượng sử dụng thuê bao chiếm đoạt được, đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tài khoản mạng xã hội liên kết với số điện thoại đổi mật khẩu và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Cảnh giác với các cuộc gọi từ số lạ, giả danh nhà mạng

Để phòng ngừa với thủ đoạn lừa đảo trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các cuộc gọi từ số máy lạ, cuộc gọi dưới danh nghĩa nhân viên các nhà mạng viễn thông. Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi nghi vấn, người dân cần gọi đến tổng đài, đường dây nóng của nhà mạng xác minh lại thông tin, thủ tục và các bước thực hiện.

Đối với các thông tin thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin, hoặc có nhu cầu thay đổi SIM điện thoại mới, muốn nâng cấp SIM điện thoại lên 4G, 5G, người dân nên đến thực hiện trực tiếp tại các địa điểm giao dịch, các chi nhánh của các nhà mạng viễn thông để thực hiện.

Trước đó, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lưu ý người dân tuyệt đối không thực hiện theo các thông báo ngoài danh sách kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng nếu nhận được các tin nhắn giả danh thương hiệu của các nhà mạng (Brandname). Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh trực tiếp qua tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, kiểm tra lại thông tin. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời theo pháp luật.

Nhằm hạn chế tối đa các hành vi mạo danh lừa đảo, quảng cáo vi phạm pháp luật, đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông đã công bố các kênh chính thức của các doanh nghiệp viễn thông di động sử dụng cho mục đích thông báo (nhắn tin, gọi điện), chăm sóc khách hàng liên quan đến công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao.
https://congdankhuyenhoc.vn/cach-chuan-...