Cần “tem” truy xuất chất lượng đường cao tốc

13:59 - 25/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những sản phẩm như tôm, cá hay xoài, sầu riêng, chúng ta đều phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vậy tại sao những con đường trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, lại không có truy xuất nguồn gốc, cụ thể phải ghi rõ công trình do ai là chủ đầu tư, đơn vị nào thi công, khởi công và khánh thành năm nào…?

Đây được ví như con “tem” để truy xuất nguồn gốc và chất lượng công trình đường cao tốc gắn trách nhiệm và hình ảnh của đơn vị thi công với công trình để cơ quan quản lý và người dân giám sát, đánh giá. 

Chúng ta đang ở giai đoạn rốt ráo phát triển các tuyến đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh tiến độ, chi phí xây dựng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải bảo đảm chất lượng công trình. Các tuyến đường cao tốc sau khi khánh thành, cần có bảng hiệu ghi chi tiết công trình do ai là chủ đầu tư, ai thi công, khánh thành khi nào. 

Bảng hiệu được ví như "tem" để truy xuất nguồn gốc, con đường này do đơn vị nào thi công, qua đó các cơ quan quản lý, người dân có thể giám sát, đánh giá chất lượng công trình và cũng là hình thức gắn trách nhiệm lâu dài của đơn vị thi công với sản phẩm của mình.

Cần “tem” truy xuất chất lượng đường cao tốc - Ảnh 1.

Những tấm biển ghi rõ cam kết của doanh nghiệp củng cố thêm niềm tin cho đông đảo người dân trên nhiều đoạn, nhiều tuyến đường cao tốc đi qua. Ảnh: VGP

Thời gian ngắn vừa qua, chúng ta chứng kiến việc khởi công xây dựng hàng loạt dự án giao thông, từ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đến Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh… Tính từ đầu năm 2023, đã khởi công các dự án có tổng chiều dài 1.406km.

Vấn đề cốt lõi là đường giao thông, nhất là đường cao tốc, dứt khoát phải bảo đảm chất lượng. Suất đầu tư cho 1km đường cao tốc là rất lớn, nhiều tuyến đường có giá trị  lên đến cả trăm, cả nghìn tỉ đồng, cho nên không thể chấp nhận sử dụng vài năm lại hỏng.

Trước đây, nhiều tuyến đường ở một số địa phương bị hư hỏng nặng, xảy ra tình trạng thi công xong cuối tuyến thì đầu tuyến đã bị hư hỏng.

Đường bị lún thì đơn vị thi công và cả chủ đầu tư biện minh rằng do nắng nóng; đường sạt lở, bong tróc thì lý giải là do mưa lớn; đường đầy "ổ voi" thì nói do xe quá tải… Đường giao thông mà sợ nắng, sợ mưa thì làm sao phục vụ vận tải? Chất lượng công trình cũng cần "vượt nắng, thắng mưa".

Thực tế hiện nay, với sự kiểm soát rất chặt chẽ từ đầu vào nguyên vật liệu đến chất lượng thành phẩm, trang thiết bị thi công đều hiện đại, phải khẳng định rằng, các công trình cao tốc có chất lượng tốt, các nhà thầu làm tốt. "Vàng thật không sợ lửa", có nhà thầu còn cam kết bảo hành 10 năm với những đoạn đường thuộc tuyến cao tốc mà đơn vị này đang làm.

Chất lượng công trình, trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà thầu, doanh nghiệp, đơn vị thi công.

Nếu làm ẩu, tiêu cực, tham nhũng, rút ruột công trình thì rủi ro lúc nào cũng sẵn sàng đổ ập xuống công trình, dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện "hạ cánh an toàn"…

Mỗi km đường đều cần có "tem truy xuất nguồn gốc", là tên tuổi của doanh nghiệp, nhà thầu, chưa kể cả đơn vị tư vấn, giám sát, quản lý… Con đường sờ sờ ra đó, nếu bị hư hỏng, rất dễ nhận thấy và khi đó, trước hết sẽ cuốn trôi theo uy tín của doanh nghiệp. Cần có cam kết thời gian bảo hành cụ thể, các hạng mục bảo hành rõ ràng.

Có thể nói, với hàng loạt cơ chế được Chính phủ "khơi thông", công tác chuẩn bị, thực hiện đầu tư dự án cao tốc được triển khai "thần tốc", nhiều dự án đã được khởi công đúng hẹn và sắp tới có khoảng 300km cao tốc nữa đang được xem xét, phê chuẩn để có thể khởi công từ nay đến cuối năm và đầu năm 2024. Tuy nhiên làm "thần tốc" nhưng phải đúng, chứ không thể để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực hay chất lượng yếu kém.

Thường xuyên kiểm tra các dự án cao tốc, nhấn mạnh việc bám sát tiến độ, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý không đánh đổi chất lượng để lấy tiến độ. Khi doanh nghiệp, nhà thầu có chất lượng và có trách nhiệm những gì họ cam kết thì uy tín của họ sẽ được nâng tầm. Và một khi tạo được lòng tin, uy tín thì ngược lại họ sẽ được trao cơ hội làm những công trình khác.

Mỗi tuyến cao tốc đều gắn chặt với tên tuổi, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, "dám làm, dám cam kết" chất lượng công trình là việc cần ủng hộ.

Nguồn: Báo Chính phủ