Khởi công đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023

Thế Bằng
05:27 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã ký Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

5 nội dung thống nhất để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - Ảnh 2.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: VGP

Nghị quyết trên nêu rõ, triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần, Nghị quyết nêu rõ, Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định phê duyệt dự án.

Nhóm dự án thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị): Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đường song hành. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị).

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) để trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Trên cơ sở báo cáo thẩm định Bộ Xây dựng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh quyết định phê duyệt dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn.

Bộ Xây dựng giao cơ quan chuyên môn thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh: Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án thành phần 3 do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.

Nghị quyết chỉ rõ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng nguồn vốn đầu tư công trong hai năm 2022 và 2023. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cùng với đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước; thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước. Thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Theo Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông cho Hà Nội hiện nay, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỉ đồng.


Nguồn: Tổng hợp