Cần sao kê tiền quyên góp của giáo viên, học sinh giúp đồng bào vùng bão lũ
Vừa qua, cơn bão số 3 Yagi hoành hành dữ dội ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, sau đó gây lũ lụt, sạt lở, khiến nhiều người dân thương vong, trong đó đáng thương nhất là các em học sinh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, giáo viên, nhân viên và học sinh ở các nhà trường mầm non, phổ thông đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái bằng cách quyên góp tiền bạc, áo quần, sách vở,… để cùng san sẻ nỗi đau chung.
Ở các tỉnh, thành có điều kiện kinh tế, chẳng hạn Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên và học sinh nhiều trường đã quyên góp với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Học sinh quyên góp tiền theo đơn vị lớp, còn giáo viên, nhân viên thì theo theo tổ chuyên môn, văn phòng.
Sau khi quyên góp, giáo viên và học sinh được hiệu trưởng hoặc chủ tịch công đoàn nhà trường thông báo, số tiền này sẽ được nộp lên cấp trên (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo – tác giả chú thích) để chuyển đến những địa phương cần giúp đỡ.
Đáng nói, đại diện nhà trường nộp tiền lên trên là nộp cho ai, số tiền bao nhiêu thì hầu như giáo viên và học sinh không được công khai. Các em học sinh thì thơ ngây, trong sáng, luôn tin vào nhà trường nên không suy nghĩ gì. Nhưng, rất nhiều giáo viên tỏ ra băn khoăn, kể cả nghi ngờ và đôi lúc cũng không khỏi ấm ức vì chuyện tiền nong thiếu minh bạch.
Sự nghi ngờ, ấm ức của giáo viên là hoàn toàn có thể thông cảm và chia sẻ được. Bởi vì, không ít hiệu trưởng hết năm này qua năm khác vẫn lạm thu tiền phụ huynh. Vẫn có lãnh đạo trường học tìm mọi cách kiếm chác "hoa hồng" từ tiền đồng phục, bán trú,... Cá biệt, có hiệu trưởng vẫn ăn chặn tiền thừa giờ giáo viên bằng cách trừ tiết dạy vào ngày lễ, Tết của thầy cô giáo.
Vậy nên, cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) cần công khai bằng văn bản có đóng dấu hoặc sao kê số tiền đã quyên góp của giáo viên, học sinh từng trường để thầy cô giáo và phụ huynh có cơ sở đối chiếu, tránh việc "một mất mười ngờ" (vì "lời ong tiếng ve" đã có).
Hơn nữa, về hành lang pháp lí, Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.
Theo đó, các hình thức công khai bao gồm: a) Công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị; b) niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa điểm sinh hoạt cộng đồng (thôn, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố); c) thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Vì vậy, các nhà trường phổ thông tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện ít nhất một trong ba hình thức công khai nêu trên, trong đó phải thực hiện hình thức bắt buộc là công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị (trừ trường hợp chưa có trang thông tin điện tử).
Hơn nữa, việc sao kê cũng góp phần khẳng định định uy tín của lãnh đạo Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo và hiệu trưởng các nhà trường vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của giáo viên, học sinh, đồng thời giải tỏa được "nỗi lòng" của thầy cô giáo để họ tiếp tục làm việc nghĩa mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google