Cần làm gì để có thể thay đổi thái độ sống bàng quan, vô cảm?
Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của cụm liên trường trung học phổ thông Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Thái Hà, Cờ Đỏ, 1/5, Đô Lương 3 (Nghệ An) yêu cầu học sinh bàn về việc cần làm gì để có thể thay đổi thái độ sống bàng quan, vô cảm.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Theo văn bản, có những sự kiện đã phủ bóng đen xuống nhân tính con người trong thế kỉ 20: hai cuộc Thế chiến, vô số những cuộc nội chiến, hàng loạt các cuộc ám sát vô nghĩa, sự tàn bạo trong các gulag, thảm hoạ Hirosima.
Câu 3. Hiểu ý kiến: "Bàng quan không chỉ là tội ác... mà nó là một hình phạt": Khẳng định hậu quả của thái độ sống bàng quan của con người. Khi con người thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước mọi thứ thì nó sẽ gây ra những hệ luỵ vô cùng đáng sợ. Nó chính là một tội ác với người khác, để lại nhiều nỗi đau; cũng là hình phạt với người khác và với chính mình.
Thể hiện thái độ của tác giả: lên án sự bàng quan, thờ ơ của con người trước đồng loại, trước các sự kiện trong thời đại, cuộc sống.
Câu 4. Một vài gợi ý: Cần biết quan tâm đến các vấn đề của thời đại mình đang sống. Cần nhận thức rõ hậu quả của thái độ sống thờ ơ, bàng quan. Cần có những hành động cụ thể để có thể thay đổi thái độ sống thờ ơ, vô cảm của mình và của mọi người.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Để có thể thay đổi thái độ sống bàng quan, vô cảm hiện nay: Học cách quan tâm đến cảm xúc của mình, của những người xung quanh. Tập thói quen quan sát, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần từ những hành động nhỏ nhất.
Cần lan truyền những nghĩa cử, hành động đẹp nhằm củng cố niềm tin vào những điều tốt đẹp. Tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng để học cách yêu thương, chia sẻ, bảo vệ , giúp đỡ người khác.
Biết cách lên tiếng trước cái xấu, cái ác, trước những vấn đề của đời sống, của thế hệ mình. Học tập, hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn, luôn biết hướng tới các giá trị đạo đức bền vững.
Câu 2. Phân tích phân tích đoạn thơ Đất Nước; từ đó, nhận xét về tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích.
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Đất Nước và vấn đề nghị luận
* Phân tích đoạn trích:
Nội dung: Dưới góc nhìn của nhà thơ, khắp sông núi, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có dấu tích, cũng có những câu chuyện, những huyền thoại, những sự hoá thân của nhân dân vào những danh lam thắng cảnh.
Những địa danh, thắng cảnh ấy gắn với truyền thống văn hoá, với cuộc sống, số phận, tính cách của Nhân dân. Chính Nhân dân đã làm nên, tạo nên những câu chuyện cho dáng núi hình sông, phủ lên đó ước mong, khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn của mình: sự thuỷ chung, lòng yêu nước, hiếu học, chịu thương chịu khó...
Những câu thơ đã thể hiện rõ sự biết ơn sâu nặng của nhà thơ đối với Nhân dân - họ đã "góp" cuộc đời mình, tuổi tên của mình, số phận mình để hóa thân thành những địa danh, thắng cảnh.
Từ đó, nhà thơ đã nâng ý thơ lên tầm khái quát: sự hóa thân của Nhân dân vào bóng hình Đất Nước. Nhân dân chính là người đã tạo dựng, đã đặt tên, ghi dấu ấn cuộc đời mình lên mỗi ngọn núi, dòng sông, khắp mọi miền đất nước này. Đất nước đã thấm sâu trong tâm hồn Nhân dân, Nhân dân đã tạo nên đất nước qua tâm hồn của mình.
Nghệ thuật: Thể thơ tự do, phóng khoáng; thủ pháp liệt kê địa danh; nhà thơ luôn viết hoa hai chữ Đất Nước thể hiện thái độ thành kính thiêng liêng; sử dụng chất liệu văn hoá dân gian nhuần nhuyễn, sáng tạo.
Hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc; giọng thơ thể hiện sự chiêm nghiệm, triết lí nhưng vẫn đậm chất trữ tình; phép lặp cú pháp và điệp ngữ "góp" được nhắc lại nhiều lần càng thêm khẳng định về cống hiến bền bỉ mà lớn lao của Nhân dân.
Đánh giá chung: Bằng hình thức nghệ thuật đặc sắc, đoạn thơ thể hiện nhận thức mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, về Nhân dân: những danh lam thắng cảnh của Đất Nước đều gắn liền với đời sống của Nhân dân, chính những đóng góp nhỏ bé của mỗi con người đã làm nên sự lớn lao, vĩ đại của Đất Nước.
Đoạn thơ cũng góp phần tô đậm thêm tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ đối với đất nước trong việc tiếp nối, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
* Nhận xét về tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được Nguyễn Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích:
Đoạn thơ trên đã thể hiện rõ quan niệm Đất Nước của Nhân dân – tư tưởng chủ đạo, tạo nên cảm hứng bao trùm, mở ra những khám phá sâu và mới của nhà thơ. Đất Nước là sự "hóa thân" kì diệu diệu của Nhân dân, mà trước hết là những con người vô danh với những cống hiến thầm lặng theo năm tháng nhưng lại có thể làm nên văn hoá, lịch sử, hình hài, diện mạo cho Đất Nước.
Chính vì vậy có thể khẳng định Nhân dân là chủ Đất Nước, Đất Nước là của Nhân dân. Đây là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Khoa Điềm khi viết về đề tài Đất nước.
Đây là tư tưởng rất sâu sắc, mới mẻ, nhân văn, mang tính hiện đại. Nhà thơ đã phát hiện được nhiều ý nghĩa mới mẻ, sâu xa từ những điều quen thuộc, từ đó đã thức tỉnh tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ miền Nam trong những năm chống Mỹ trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google