Bài thơ "Khúc hát đồng quê" vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn
Một đoạn trích trong bài thơ "Khúc hát đồng quê" của nhà thơ Chữ Văn Long được dùng làm ngữ liệu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn ở Trường Trung học phổ thông Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ tự do.
Câu 2. Biện pháp tu từ so sánh: ""nụ cười chân thật như hoa đồng cỏ nội nở rồi quên"; đối lập "sống" và "chết"…
Câu 3. Chính khúc hát đồng quê đã nhắc nhở đến với tất cả mọi người nhớ ơn sự vất vả, gian nan của người lao động. Bộc lộ niềm thương cảm và ngợi ca vẻ đẹp dành cho người nông dân của nhà thơ.
Câu 4. Biết sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ người khác, bởi tình thương là một thứ tình cảm thiêng liêng nhất xuất phát từ trái tim mỗi con người. Đó là sự đồng cảm, một tinh thần đồng loại mà con người dành cho con người.
Tình yêu thương sẽ giúp sưởi ấm tâm hồn của những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh; cũng như truyền cho họ sức mạnh, nghị lực vượt qua khó khăn. Tình yêu thương là cơ sở để xây dựng một xã hội tốt đẹp, có văn hóa.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Ý nghĩa của việc trân trọng những giá trị lao động: Lao động là việc con người làm việc, hoạt động tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân và tạo giá trị tinh thần tốt đẹp cho xã hội bằng bàn tay, khối óc của mình thông qua nghề nghiệp để phát triển bản thân và xã hội.
Trân trọng giá trị lao động là biểu hiện của lòng biết ơn: Đó là nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời xưa, là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của mỗi con người.
Khi chúng ta thừa hưởng những thành quả tốt đẹp, ta cần phải nhớ ơn đến người đã vất vả tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Lòng biết ơn thể hiện phẩm chất đạo đức cần có ở mỗi chúng ta. Biết ơn sẽ khiến cho con người trở nên tốt đẹp hơn. Là cơ sở cho những tình cảm tốt đẹp khác.
Có trân trọng những giá trị lao động, con người mới phát huy và hoàn thiện được bản thân, mới tìm được ý nghĩa đích thực và chân chính của cuộc đời.
Câu 2. Phân tích đoạn thơ: "Nhớ gì… liên hoan", từ đó nhận xét tình cảm của nhà thơ Tố Hữu đối với Việt Bắc và cuộc kháng chiến.
Giới thiệu tác giả, tác phẩm; vấn đề cần nghị luận (Phân tích đoạn thơ, nhận xét tình cảm của tác giả…)
Phân tích đoạn thơ:
- Nội dung:
Câu 1: Người ra đi khẳng định nỗi nhớ về Việt Bắc: khó diễn tả nhưng thiết tha, sâu nặng đầy thi vị: Nhớ gì như nhớ người yêu.
5 câu tiếp theo: Nhớ thiên nhiên Việt Bắc: Nỗi nhớ gắn với những cảnh sắc, địa danh quen thuộc, bình dị mà cũng rất nên thơ (trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, ngòi Thia, sông Đáy…); trong cảnh thấp thoáng hình bóng con người thân thương, cần mẫn (sớm khuya bếp lửa người thương đi về).
8 câu còn lại: Nhớ con người và cuộc sống Việt Bắc: Nhớ người Việt Bắc cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cưu mang cán bộ cách mạng trong những ngày kháng chiến đầy gian khó (Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi, chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa…);
Nhớ nhất là người mẹ Việt Bắc lam lũ, tảo tần, chăm chỉ lao động (nắng cháy lưng, địu con, bẻ từng bắp ngô); Nhớ lớp bình dân học vụ cần mẫn học tập (lớp học i tờ, đuốc sáng…)
Có thể nhận thấy, cảnh và người Việt Bắc trong những năm tháng kháng chiến đã trở thành những kỉ niệm, những ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ, không thể phai mờ. Nỗi nhớ thể hiện tình cảm thủy chung, lòng biết ơn với đồng bào và quê hương Việt Bắc của người cán bộ về xuôi.
- Nghệ thuật: Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, âm điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, tha thiết. Từ ngữ, hình ảnh thơ gần gũi, bình dị, giàu sức gợi. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các biện pháp tu từ: so sánh, liệt kê, điệp từ, lặp cấu trúc… góp phần thể hiện nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng của người ra đi.
Nhận xét tình cảm của nhà thơ Tố Hữu đối với Việt Bắc và cuộc kháng chiến
- Có tình cảm sâu nặng với cảnh vật và cuộc sống bình dị.
- Biết ơn, trân trọng nghĩa tình của người Việt Bắc dành cho mình.
- Tình cảm gắn bó sâu nặng của tác giả với những gì thân thương, quen thuộc trong những ngày tháng kháng chiến.
- Đánh giá chung: Qua nỗi nhớ, Tố Hữu đã tái hiện một Việt Bắc bình dị mà nên thơ, một giai đoạn kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ nhưng chất chứa ân tình. Đoạn trích là một giai điệu đẹp của bản tình ca tri ân Việt Bắc. Đoạn trích cũng rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình chính trị sâu sắc, đậm đà tính dân tộc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google