Cảm hóa học sinh “cá biệt” bằng sự thấu hiểu

Lam Linh
15:00 - 26/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục học sinh chưa bao giờ là việc dễ dàng. Để cảm hóa học trò, nhất là những em có cá tính mạnh đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, chính sự yêu thương, cảm thông bằng trái tim mới cảm hóa được mọi thứ trong tâm hồn con người.

Cảm hóa học sinh “cá biệt” bằng sự thấu hiểu. Ảnh minh hoạ: IT.

Cảm hóa học sinh “cá biệt” bằng sự thấu hiểu. Ảnh minh hoạ: IT.

Học sinh "cá biệt" có nên bị xem là "cá biệt"?

Trong môi trường học đường luôn tồn tại những em học sinh có cá tính mạnh, thường được gọi là học sinh "cá biệt". Đây là những em học sinh có biểu hiện không tuân thủ nội quy của nhà trường. 

Nghịch ngợm, thích gây gổ đánh nhau, gây mất trật tự trong giờ học và không chấp hành nội quy của nhà trường là những biểu hiện thường thấy của những học sinh cá biệt. Nhưng câu hỏi đặt ra đầu tiên: có nên xem các em là "cá biệt" để phân biệt đối xử như "cá biệt"? 

Câu trả lời phải là không/không nên. Có nhiều cách để xử lý, giáo dục đối với những học sinh này, song chỉ có tình yêu thương, sự thấu hiểu mới có thể cảm hóa được các em.

Phương pháp "lạt mềm buộc chặt"

Tuổi mới lớn thì nghịch phá là điều khó tránh khỏi. Là giáo viên – ai cũng muốn học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi. Tuy nhiên, nếu học trò của mình có những hành vi đi ngược lại với nội quy của lớp, của trường, trước hết thầy cô nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân và dùng sự mềm mỏng để cảm hóa các em. Đó có thể là do hoàn cảnh gia đình, do ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu, các đối tượng xung quanh học sinh... Chỉ khi có được sự gần gũi, quan tâm, xâm nhập tìm hiểu được nguyên nhân cốt lõi hình thành nên cá tính ấy thì mới có thể đưa ra được biện pháp giáo dục phù hợp mà uốn nắn các em.

Bên cạnh với vai trò là người truyền đạt tri thức, thầy cô phải luôn ở tâm thế là một người thân, một người bạn để có thể trò chuyện, lắng nghe và nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của học sinh trung học phổ thông - là giai đoạn tâm sinh lý có nhiều biến đổi, các em tự ái rất cao, luôn nghĩ mình đã là người lớn, luôn muốn khẳng định mình bằng sự hiểu biết chưa hoàn thiện. Đừng vì một vài biểu hiện nhất thời của học sinh mà gán ghép cho các em cái tên "học sinh cá biệt". Thay vào đó, thầy cô giáo có thể gặp riêng rồi nhẹ nhàng, ôn tồn phân tích khuyên nhủ, tạo một "khoảng lặng" cho các em có cơ hội, thời gian bình tĩnh nhìn nhận, tự đánh giá.

Sai lầm nếu kỷ luật bằng sự tức giận

Có thế nói, trong bất kỳ môi trường sư phạm nào, sợi dây liên kết giữa giáo viên và học sinh luôn được nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là nền tảng để tạo nên một môi trường giáo dục nhân văn và hiệu quả. Vậy nên ứng xử giữa giáo viên và học sinh nếu không khéo léo thì không chỉ tạo ra nỗi đau về thể xác mà còn in hằn nỗi đau về tinh thần sẽ đi theo học sinh đến hết cuộc đời.

Trước những hành vi vi phạm của học sinh, thầy cô không nên đáp lại bằng phản ứng tức thời, không tạo ra xung đột, tùy tiện la mắng, xâm phạm thân thể, xúc phạm, làm tổn thương danh dự của các em trước tập thể lớp, bởi lẽ con người ở lứa tuổi nào cũng vậy, nhất là các em học sinh thì luôn thích được người lớn đối xử nhẹ nhàng, ngọt ngào với mình. Đặc biệt với các em học sinh cá biệt thì một lời nói cũng phải thận trọng, không được có hành vi bạo lực dù chỉ là một cái đánh vào tay, bởi nếu không khéo léo, không xử lý mềm mỏng sẽ khiến các em trở nên thách thức, chống đối hơn.

Giáo dục là một hoạt động đặc biệt bởi sản phẩm tạo ra là con người. Vì vậy kỷ luật là điều cần thiết nhưng nên là kỷ luật kết hợp với tình yêu thương. Bởi những hành vi thô bạo gây tổn thương cho học sinh, những hành động bột phát trong lúc tức giận đều chỉ dẫn đến sự thất bại trong việc giáo dục. Dẫu biết rằng thương thì cho roi cho vọt, nhưng sự kỷ luật của giáo viên không nên đi quá giới hạn, đi ngược với quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nghề.

Việc kỷ luật học sinh trong lúc tức giận, trừng phạt mạnh tay liệu có phải là cách tốt nhất để răn đe, giáo dục học sinh cá biệt, nhất là khi các em đang trong độ tuổi hình thành phát triển tâm lý? 

"Giơ cao đánh khẽ" để các em luôn cảm thấy được yêu thương

Thiết nghĩ có rất nhiều cách kỷ luật tích cực, "giơ cao đánh khẽ" như: đề nghị học sinh khắc phục hậu quả do các em gây ra, phạt bằng các hình thức lao động, cũng có thể đồng ý để học sinh phải thực hiện một việc làm tốt khác để bù lại điều các em mắc lỗi, thậm chí có thể dùng biện pháp đình chỉ học – đây là điều hoàn toàn nằm trong quy định xử lỷ vi phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Các thầy cô giáo tuyệt đối không sỉ nhục, xúc phạm và xâm phạm thân thể, tinh thần học sinh khiến các em rơi vào trạng thái xấu hổ, không muốn đến lớp. Phải làm sao để các em nhận thức được hành vi của mình là sai trái và tự nguyện sửa sai mới là thành công của việc giáo dục.

"Nhân vô thập toàn" - con người sinh ra không ai hoàn hảo cả mười phần, ai cũng có ưu - khuyết điểm riêng và các em học sinh cũng vậy. Đôi khi những biểu hiện bề nổi tường chừng như là lếu láo, không chịu nghe lời... chỉ để che giấu đi suy nghĩ sâu kín trong tâm hồn của các em. Đó có thể là những tổn thương do gia đình mang lại, là nỗi cô đơn của những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của mẹ cha... 

Ngược lại, đối với mỗi thày cô giáo, những khó khăn, vất vả của nghề cũng khiến các thày cô chịu những áp lực riêng. Là người học trò, các em cũng cần quan tâm, chăm sóc, thấu hiểu những mong muốn của thầy cô. Cô trò cùng cộng tác với nhau để cô không phải sử dụng các "biện pháp mạnh" để dẫn tới những tình huống đáng tiếc, không đáng có trong môi trường giáo dục. 

Những tổn thương dễ khiến con người có những phản kháng tiêu cực, chống đối. Ở cương vị nào, dù là thầy cô hay học trò, các thế hệ luôn giữ tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Với thiên chức là người "kỹ sư tâm hồn", các thầy cô cần phải biết kiềm chế, bình tĩnh trong mọi tình huống. Là những người học trò, các bạn học sinh, sinh viên cũng phải luôn lắng nghe, tin tưởng, chia sẻ và thông cảm cho những vất vả của những "người lái đò tri thức". 

Tin rằng, tình cảm chân thành của thầy cô, kiên trì, nhẫn nại, "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" sẽ có sức cảm hóa mạnh mẽ đối với học sinh, nhất là học sinh "cá biệt".