Giáo viên mong muốn được tập huấn sách giáo khoa trực tiếp

Thành Phúc
11:43 - 08/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho năm học 2023-2024. Và tới đây, các nhà xuất bản sẽ tiến hành tập huấn cho giáo viên dưới cơ sở. Giáo viên trông chờ việc các nhà xuất bản tập huấn trực tiếp để họ tường tận vấn đề mới.

Những năm trước đây, tập huấn sách giáo khoa được tổ chức online vì nhiều lý do. Điều này đã dẫn đến hiệu quả của việc dạy và học theo sách giáo khoa mới không như kì vọng. Giáo viên dưới cơ sở gặp khó khăn khi đứng lớp. Học sinh khó lĩnh lội được bài giảng hay, đúng với mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra. Bởi lẽ, một khi giáo viên còn mơ hồ sẽ không thể đưa ra phương án tốt cho các hoạt động giảng dạy của mình ở trên lớp.

Để khắc phục những bất cập của tập huấn sách giáo khoa online

Tính đến năm học 2022-2023, ngành giáo dục đã triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên còn khá nhiều bất cập. 

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tập huấn trực tuyến cho giáo viên phổ thông trên cả nước với 9 module được một số trường sư phạm thiết kế sẵn về chương trình, phương pháp, kĩ thuật dạy học…

Đó là, module 1: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Module 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Module 3: Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; 

Module 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông; 

Module 5: Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học; 

Module 6: Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Module 7: Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông; 

Module 8: Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông; 

Module 9: Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông. 

Trong 9 module này, chỉ có các module 1, 2, 4, 5, 9 là bắt buộc; các module còn lại thì giáo viên được yêu cầu tham khảo.

Có điều, khi triển khai tập huấn cho giáo viên thì nhiều module lại rơi vào thời điểm các nhà trường đang ôn tập học kỳ. Chính vì vậy, chất lượng tập huấn không mang lại nhiều hiệu quả vì thời gian tập huấn của giáo viên gần như rất ít. 

Điều bất ngờ nữa là khi giáo viên vừa hoàn tất các module thì phần mềm tập huấn trực tuyến được các nhà mạng khóa lại do ngành giáo dục các địa phương kí hợp đồng với nhà mạng đến thời điểm đó là hết hợp đồng. Vì thế, giáo viên cũng gần như không có cơ hội xem lại những nội dung mà đã tập huấn cho mình.

Riêng việc tập huấn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao hẳn cho các nhà xuất bản tập huấn. Tuy nhiên, việc tập huấn còn nhiều bất cập, không hiệu quả vì chủ yếu là tập huấn online.

Đối với năm học 2022-2023 này, giáo viên nhận được thông báo triệu tập tập huấn. Đầu tiên là hội thảo sách giáo khoa 20 phút, các nhà xuất bản quay sẵn video clip, đến giờ phát ra cho giáo viên xem theo đường link được các nhà xuất bản cung cấp. Tiếp theo, giáo viên được tập huấn 1 ngày qua phần mềm Zoom với các tác giả sách giáo khoa. Trong 1 ngày tập huấn online, các tác giả chia ra nói, mỗi người 1 phần, hoặc 1 phân môn của mình.

Hội trường tập huấn thường rất đông giáo viên, những môn học nhiều tiết thì 5-7 trường tập trung ở một điểm cầu. Những môn học ít tiết thì có khi cả huyện mới chung một điểm cầu. Nhà xuất bản cung cấp tên phần mềm tập huấn, ID và Password cho các sở, phòng giáo dục và các nhà trường là điểm cầu tập huấn.

Đến giờ tập huấn, nhà trường mở máy và truy cập vào địa chỉ đã được cung cấp và giáo viên nghe và xem. Nhưng, chủ yếu là nghe vì slide trình chiếu trên máy chiếu quá nhỏ mà hội trường thì rộng lớn và đông người. Vì thế, chỉ những thầy cô ngồi ở những bàn đầu tiên còn thấy được chữ chiếu qua các slide trình chiếu, những giáo viên phía sau gần như chẳng thấy được gì.

Đầu giờ tập huấn, giáo viên còn chăm chú nghe nhưng được một lúc thì phần nhiều giáo viên cảm thấy mệt mỏi và chán ngán với cách tập huấn của nhà xuất bản. Ở trên, người tập huấn vẫn đọc và chiếu các slide tập huấn nhưng nó cứ đều đều một chiều, rất hiếm khi tương tác với giáo viên.

Mặc dù việc tập huấn online tiết kiệm tối đa chi phí cho các nhà xuất bản sách giáo khoa vì các đơn vị này chỉ cần cung cấp tên phần mềm, ID, Password và sau đó thì cả tỉnh, hoặc nhiều tỉnh cùng tập huấn chung với nhau. Tuy nhiên, hiệu quả rất thấp vì tập huấn như vậy thì tiếng được, tiếng mất, hình ảnh thì gần như chỉ có những thầy cô ngồi ở bàn đầu thấy được phần hình ảnh trình chiếu. Đó là chưa kể một số môn, giáo viên còn không hề được tập huấn nhưng vẫn đang giảng dạy.

Giáo viên mong muốn được tập huấn sách giáo khoa trực tiếp - Ảnh 3.

Dịch bệnh COVID-19 đã không còn quá ảnh hưởng đến việc dạy và học hiện nay. Ảnh: IT/image

Năm học 2023-2024 sẽ tiếp tục tập huấn online? 

Khác với chương trình 2006, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp và đặc biệt là thực hiện "một chương trình, một bộ sách giáo khoa" và được thực nghiệm trên một diện rộng mới áp dụng đại trà. Chương trình mới với chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" và việc thực nghiệm chỉ diễn ra 1 tháng ở một phạm vi hẹp rồi áp dụng đại trà ngay.

Việc thực nghiệm, tập huấn cho giáo viên ở chương trình mới gần như chuyển vai sang cho các nhà xuất bản. Vì thế, địa phương nào dạy bộ sách giáo khoa nào thì nhà xuất bản đó sẽ chịu trách nhiệm tập huấn cho giáo viên. Tuy nhiên, những năm qua thì một phần vì dịch bệnh COVID-19 nhưng có lẽ một phần cũng vì lợi nhuận nên các nhà xuất bản đã tiết kiệm tối đa cho khâu tập huấn.

Năm học 2021-2022, các giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 được tập huấn cho môn học của mình trong vòng 20 phút; năm học 2022-2023 giáo viên dạy các lớp 3, lớp 7, lớp 10 được tập huấn online 1 ngày qua phần mềm trực tuyến. Mỗi buổi tập huấn như vậy có rất nhiều điểm cầu từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Vì thế, chỉ cần một người báo cáo sẽ đảm nhận được công việc này. Nhưng, hiệu quả thấp và giáo viên cơ bản là không lĩnh hội được những nội dung cốt lõi của việc tập huấn vì nó một chiều và âm thanh, hình ảnh, đường truyền tập huấn trực tuyến nhiều khi trục trặc, lúc có, lúc mất…

Vì thế, năm học 2023-2024 tới đây, khi mà điều kiện xã hội đã trở lại bình thường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trưởng để các nhà xuất bản tập huấn trực tiếp cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Chương trình mới có nhiều kiến thức mới, nhiều môn học mới và cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy gần như khác hoàn toàn với chương trình hiện hành nên giáo viên rất khó khăn trong giảng dạy - nếu như họ chưa tường tận vấn đề.

Nếu… chỉ tập huấn online như các năm học trước, có lẽ các nhà xuất bản chỉ cần chuẩn bị nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên như: sách giáo khoa, sách giáo viên điện tử, file chứa các slide tập huấn; video giới thiệu sách giáo khoa, video tiết học minh hoạ,… website của các đơn vị chủ quản sách giáo khoa rồi yêu cầu giáo viên dạy sách nào vào địa chỉ đó xem, nghe sẽ hiệu quả hơn khi đến hội trường tập huấn tập trung qua đường truyền.