Các bước ráp phách, nhập điểm bài thi tuyển sinh vào lớp 10

Ngọc Trân
09:16 - 09/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong quy trình tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 có nhiều đầu việc, việc nào cũng quan trọng như nhau. Bởi vì chỉ một sai sót nhỏ trong các khâu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh. Vì vậy, công việc nào cũng đòi hỏi độ chính xác, tránh cẩu thả, từ rọc phách, nhập điểm...

Chuyện ráp phách, nhập điểm thi khi đã thực hiện xong khâu chấm bài tưởng chừng như rất nhỏ nhưng nếu không cẩn thận, không thực hiện bài bản thì kết quả của học sinh này có thể được gán cho học sinh kia và ngược lại. Vì thế, các bước cũng được thực hiện chặt chẽ đến giờ phút cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ráp phách, nhập điểm cho thí sinh - công việc cuối cùng của hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 

Sau nhiều ngày, có thể là 1 tuần hoặc chục ngày chấm thi mới có thể hoàn tất được số lượng hàng mấy chục ngàn bài thi, thậm chí là hàng trăm ngàn bài thi của từng môn thi. Giám khảo nào cũng khá căng thẳng. Các môn tự nhiên, tiếng Anh thì có thể nhanh hơn nhưng môn Ngữ văn bao giờ cũng là môn thi chấm "khóa sổ" cho kì thi.

Chấm bài xong thì hội đồng chấm thi sẽ triển khai việc ráp phách bài thi theo số mật mã đã được đánh số trước khi rọc phách. Việc ráp phách rất đơn giản là lấy tờ phách đã bị cắt ghép vào bài thi của thí sinh đã được đánh số mật mã. Thế nhưng, chỉ một sơ suất nhỏ, thiếu tập trung của người ráp phách có thể ghép nhầm thí sinh này với thí sinh khác.

Các bước ráp phách, nhập điểm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 - Ảnh 2.

Kỳ thi vào lớp 10 là kì thi quan trọng bậc nhất của học sinh trung học cơ sở bước vào trung học phổ thông. Ảnh: VNN

Bởi vì mỗi tệp phách có 5 tờ tương ứng với 5 bài thi của thí sinh. Giáo viên sẽ ghép lại với nhau theo thứ tự đã được đánh số. Nếu không cẩn trọng có thể lấy tệp phách này ghép với 5 bài thi không tương ứng số phách. Vì thế, khi ghép xong mỗi xấp bài thi thì giáo viên đều phải kiểm lại một lần nữa xem có lẫn lộn gì không mới nộp cho tổ trưởng, tổ phó.

Sau khi ráp phách hoàn tất sẽ đến khâu nhập điểm. Việc nhập điểm cũng được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt để không có những sai sót có thể xảy ra. Mỗi tổ nhập điểm đối với các môn cơ bản (khối thi trung học phổ thông không chuyên) thường có 9 người: 1 tổ trưởng phụ trách chung và sắp xếp các tệp bài thi theo từng túi khi hoàn thiện công việc.

Đối với 8 người còn lại sẽ được chia ra làm 2 nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4 người. Nhóm nhập điểm có 1 giáo viên Tin học ngồi nhập điểm vào máy tính, 3 giáo viên còn lại sẽ đọc điểm cho 3 môn thi theo thứ tự danh sách đã được thiết kế trên phần mềm của máy tính. Nhập hết 1 phòng thi, người nhập điểm sẽ in ra 1 bản và đưa cho nhóm dò điểm thực hiện công việc của mình.

Nhóm dò điểm cũng có 4 người, 1 người đọc tên, số báo danh, điểm số từng môn trên bảng điểm vừa in cho 3 người còn lại mỗi người phụ trách lật lại bài thi từng thí sinh theo thứ tự để dò xem điểm nhập có sai sót, lẫn lộn gì không. Nếu phát hiện sai sót, chênh lệch giữa điểm số đã nhập với bài thi của thí sinh thì sẽ báo cho giáo viên nhập điểm chỉnh sửa lại.

Khi hoàn thiện việc dò điểm của phòng thi, giáo viên nhập điểm sẽ in 1 bản và bộ phận nhập điểm ký tên vào bảng điểm. Bảng điểm này sẽ là bảng điểm chính thức nộp cho lãnh đạo sở giáo dục và thông báo đến các hội đồng thi của các trường trung học phổ thông.

Khi kết thúc việc nhập điểm, phần dữ liệu trên máy tính thì lưu vào từng hội đồng thi theo từng file riêng và chép vào ổ cứng để nộp cho chủ tịch hội đồng thi của sở giáo dục và đào tạo. Tiếp theo, đại diện lãnh đạo hội đồng thi của sở kiểm tra bảng điểm, file điểm, nếu như không còn sai sót thì phần dữ liệu trên máy tại hội đồng chấm thi sẽ được xóa và công việc nhập điểm được hoàn tất.

Phần việc cuối cùng của kỳ thi tuyển sinh 10 là sở giáo dục sẽ thông báo bảng điểm bằng file ảnh qua email của các trường trung học phổ thông (tuyển đầu vào), trung học cơ sở (thí sinh dự thi) và thông báo điểm thi trên trang web của sở giáo dục để thí sinh tra cứu điểm thi của mình.

Thí sinh, phụ huynh yên tâm về tính công tâm, khách quan của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Một số phụ huynh khi có con đi thi tuyển sinh vào lớp 10 thường có tâm trạng lo lắng bài thi của con mình có được thầy cô chấm, nhập điểm đúng không, nhất là môn thi Ngữ văn vì một số phụ huynh cứ ngỡ giám khảo chấm Văn thích chấm sao cũng được. Một số người còn lo lắng có sự "gửi gắm" số báo danh của thí sinh cho giám khảo chấm bài. 

Nhưng, việc đầu tiên là những cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục nếu có con, em, người thân tham dự kỳ thi thì họ sẽ không được điều động làm nhiệm vụ trong kỳ thi này.

Đối với môn Ngữ văn, đúng là khó chấm hơn các môn thi khác nhưng đều có hướng dẫn chấm, đáp án rõ ràng đối với từng câu hỏi, từng phần nhỏ trong phần làm văn và mỗi phần như vậy đều có số điểm tương ứng rất cụ thể. Hơn nữa, thông thường môn Ngữ văn ngoài mấy câu nhận biết (câu dễ -1,5 điểm) là đáp án đóng, còn lại đều có đáp án mở.

Việc chấm hội đồng 10 bài thi trước khi chấm đại trà mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước đã thể hiện rõ cách chấm. Hội đồng thi cũng đã thống nhất, lường trước những bài viết không đúng trọng tâm, lệch với đề thi sẽ được chấm ra sao nên về cơ bản đều có thang điểm chấm cho từng câu, từng phần cụ thể.

Đặc biệt, bài thi của thí sinh có 2 giám khảo chấm độc lập ở 2 phòng khác nhau và không phải 2 người này chấm xuyên suốt với nhau nhiều ngày mà mỗi ngày sẽ được bố trí giám khảo chấm cặp so le nhau nên gần như cũng không ai biết ai. Phần nhiều chấm tuyển sinh 10 sẽ bắt cặp 1 giám khảo cấp trung học cơ sở với 1 giám khảo cấp trung học phổ thông nên gần như họ không biết nhau.

Chính vì vậy, dù xấp bài đó được tổ trưởng chấm thi bố trí cho chấm giám khảo 1 hay 2 thì ai cũng phải căng mình thực hiện theo đúng quy trình nghiêm ngặt chấm thi và tất nhiên là phải chấm đúng, chấm cẩn thận. Nếu sai sót nhiều, giám khảo 1 phải viết lại phiếu chấm, giám khảo 2 phải sửa trực tiếp trên bài thi nhiều sẽ bị tổ trưởng, tổ phó chấm thi nhắc nhở và phải giải trình.

Hơn nữa, số lượng bài thi mỗi môn được chấm thẩm định bắt buộc từ 15-20% và được lãnh đạo hội đồng chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên nên không ai đi chấm thi có tâm lý lơ là, chủ quan.

Bên cạnh đó, nếu sau này thí sinh phúc khảo mà có sai sót, chênh lệch lớn thì giữa giám khảo lần 1, giám khảo phúc khảo phải đối chất với nhau. Nếu sai sót thuộc về 2 giám khảo chấm lần 1 tất nhiên họ sẽ bị kỉ luật của ngành. Vì thế, phần chấm thi luôn được thực hiện cẩn thận và gần như là không có sai sót, nhất là các môn tự nhiên, tiếng Anh.

Phần nhập điểm cũng được thực hiện theo 2 bước độc lập là "nhập điểm" và "dò điểm" nên những sai sót cũng không thể xảy ra được. Bởi lẽ, mỗi giáo viên cầm 24 bài thi trên tay, đọc, dò lần lượt từng bài nên mọi khâu thực hiện đều rất khoa học để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dự thi.

Cũng chính cách chấm cẩn thận, chặt chẽ đến từng câu chữ của bài thi nên điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm vừa qua ở các địa phương thường thấp hơn điểm thi của các kỳ thi khác. Đó cũng thực tế lý giải việc thí sinh làm đơn phúc khảo thì sau khi chấm lại, điểm số cũng gần như không thay đổi so với điểm chấm lần đầu, thậm chí có thể thấp hơn.

  • Kỳ thi tuyển sinh 10 luôn căng thẳng, áp lực đối với cả thí sinh, phụ huynh và những cán bộ, giáo viên được điều động ra đề, in sao đề, coi thi, chấm thi. Nhưng, phụ huynh yên tâm điểm số của thí sinh là điểm số thật, được chấm, nhập điểm một cách khách quan, cẩn thận và chính xác gần như tuyệt đối. Các khâu thực hiện riêng biệt và độc lập từng công đoạn.

    Tham khảo thêm