Quy trình chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 đang được thực hiện như thế nào?

Ngọc Trân
11:01 - 08/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Có nhiều nhận định cho rằng điểm thi vào lớp 10 hiện nay giống với điểm thi vào đại học của hàng chục năm về trước. Chính vì quy trình chấm điểm tuyển sinh vào lớp 10 chặt chẽ, điểm của thí sinh thường thấp và việc tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm cao hay thấp, mà lấy từ trên xuống dưới.

Nếu so sánh điểm kỳ thi tuyển sinh 10 với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hay so với điểm kiểm tra định kỳ trên lớp thì có thể nói khác nhau một trời - một vực. Điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 thường rất thấp. Ngay cả trường chuyên của những địa phương cạnh tranh khốc liệt thì cũng chỉ có một số rất ít trường lấy điểm chuẩn từ 8,0 điểm/môn thi.

Điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng giống như điểm thi đại học của hàng chục năm về trước. Số điểm thường thấp bất ngờ vì quy trình chấm điểm rất chặt chẽ, cẩn thận và qua các vòng chấm độc lập với nhau.

Hơn nữa, đây là kỳ thi tuyển nên việc điểm cao hay thấp cũng không quá quan trọng. Vì dù cao hay thấp thì các trường trung học phổ thông cũng tuyển đầu vào theo hướng lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu đã được sở giáo dục địa phương phân bổ từ khi kỳ thi chưa diễn ra.

Chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện qua nhiều bước độc lập, riêng lẻ

Trước kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra mấy ngày, sở giáo dục và đào tạo đã có văn bản điều động giáo viên tham gia hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thi gồm rất nhiều những bộ phận độc lập, như: tổ đánh số mật mã, cắt phách; tổ chấm bài từng môn thi đại trà; tổ chấm bài môn chuyên; tổ ráp phách; tổ nhập điểm. Về cơ bản, các công việc được làm độc lập với nhau.

Quy trình chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 đang được thực hiện như thế nào? - Ảnh 2.

Công việc chấm thi là lao động trên những mặt giấy khá vất vả. Ảnh: Fexel

Nhân sự tham gia hội đồng chấm thi sẽ được các trường trung học phổ thông; trung học cơ sở lựa chọn, giới thiệu và số lượng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của sở, phòng giáo dục. Việc tham gia hội đồng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng tương đối áp lực và yêu cầu về tiến độ công việc nên các trường cũng cân nhắc cẩn thận khi gửi danh sách giáo viên lên cấp trên.

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, hội đồng chấm thi sẽ họp. Thành phần tham dự là lãnh đạo sở, các chuyên viên của sở có môn thi trong kỳ thi tuyển sinh 10, các tổ trưởng các bộ phận (thường là phó hiệu trưởng, tổ trưởng hội đồng bộ môn của 2 cấp học) của hội đồng chấm thi để phổ biến, quán triệt những nội dung công việc cụ thể.

Sau đó, tổ đánh số mật mã, cắt phách sẽ sinh hoạt lại và thực hiện công việc đầu tiên theo từng môn, từng phòng thi ở từng hội đồng thi. Nếu số lượng thí sinh không quá đông, có thể hội đồng chấm thi sẽ đặt tại 1 trường trên địa bàn trung tâm của tỉnh, thành. Nếu số lượng thí sinh dự thi đông có thể mỗi môn thi sẽ có 1 hội đồng chấm thi ở 1 điểm trường riêng biệt.

Mỗi hội đồng chấm thi đều được bố trí công an, thanh tra sở, thanh tra hội đồng giám sát, bảo vệ ở vòng ngoài khá nghiêm ngặt và khu vực chấm thi cũng thường được bố trí và cách ly ở một khu vực nhất định.

Trước khi chấm thi, các giám khảo từng môn sẽ họp tại một hội trường lớn và chuyên viên phụ trách môn học đó sẽ quán triệt tinh thần chấm thi đến tất cả các thành viên. Sau đó đề thi, đáp án được phát đến từng người và tất cả giám khảo sẽ đọc, dò lại đáp án xem có cần thiết phải điều chỉnh, mở rộng đáp án thêm nữa hay không và lường trước các tình huống làm bài của học sinh.

Khi toàn thể hội đồng chấm thi môn thi đó thống nhất xong đáp án với đề của sở thì sẽ tiến hành chấm hội đồng 10 bài thi đã được lựa chọn ngẫu nhiên từ các bài làm của thí sinh. 10 bài thi này được photo và phát đến từng thành viên chấm thi và mọi người sẽ thực hiện khâu chấm hội đồng từng bài một.

Việc chấm hội đồng đối với các môn Toán hay tiếng Anh nhanh hơn vì đáp án đúng, sai đã rõ ràng nhưng đối với môn Ngữ văn thường kéo dài cả ngày mới xong vì thí sinh có muôn hình vạn trạng cách khác nhau. Vì thế, hội đồng sẽ thống nhất việc cho điểm, hay không cho điểm từng câu đã được thể hiện trên bài làm của thí sinh.

Khi chấm hội đồng xong 10 bài thì sẽ giải tán để giám khảo về từng tổ nhỏ đã được chia cụ thể. Mỗi tổ sẽ có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó, mỗi người phụ trách 1 phòng chấm thi độc lập, riêng biệt. Đồng thời, tổ trưởng, tổ phó sẽ là người nhận bài, nộp bài thi từ hội đồng và phân công các tệp bài thi cho từng giám khảo nào sẽ chấm cặp với giám khảo nào qua từng buổi.

Khâu chấm thi đại trà ở các tổ được thực hiện ra sao?

Các giáo viên được điều động đi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng ngày sẽ đến phòng chấm thi của mình đã được phân công từ ngày đầu tiên để thực hiện nhiệm vụ. Khi bước vào phòng chấm thi, giám khảo cũng phải để lại tất cả vật dụng mang theo ở phía ngoài hanh lang. Tất cả điện thoại, vật dụng cá nhân không được phép mang vào phòng thi. 

Giám khảo phải đi "tay không" vào phòng chấm thi.

Khi vào phòng thi, mỗi giám khảo sẽ được phát 2 cây bút đỏ và một tệp phiếu điểm để chấm bài. Mỗi tổ chấm bài sẽ có 2 phòng thi kề nhau. Nếu giám khảo phòng bên này là giám khảo 2 thì phòng bên kia sẽ làm giám khảo 1 để so le với nhau. Nhưng, ai chấm với ai mãi đến khi chấm xong mới được tổ trưởng, tổ phó cho biết để 2 người dò và thống nhất điểm với nhau.

Về cách chấm, giám khảo 1 chấm bài trên một phiếu điểm riêng, không để lại dấu vết gì trên bài thi của thí sinh, chấm xong nộp bài cho tổ trưởng. Giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi của thí sinh, khi chấm xong sẽ báo với tổ trưởng hoặc tổ phó đang phụ trách phòng chấm thi của mình để bố trí cho 2 giám khảo thống nhất điểm thi.

Chính vì mỗi bài thi được 2 giám khảo ở 2 phòng chấm độc lập, 1 người chấm trên phiếu điểm riêng, 1 người chấm trực tiếp trên bài thi của thí sinh và trước khi thống nhất điểm thì không ai biết mình chấm cặp với ai xấp bài đó. Vì thế, ai cũng phải cẩn thận và đọc kỹ lưỡng từng con số, từng câu, từng chữ, thậm chí từng dấu chấm câu của thí sinh để tránh những sai sót đáng tiếc.

Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn còn đòi hỏi sự cẩn thận nhiều hơn vì nhiều thí sinh viết rất dài, rất nhiều nhưng nhiều khi viết khơi khơi, chung chung chẳng đâu vào đâu. Nhiều thí sinh có những phương án trả lời khác với đáp án đối với phần đọc hiểu. Hơn nữa, đây vẫn là môn được đánh giá theo định tính nên giám khảo nào cũng phải cẩn thận tối đa khi đặt bút cho điểm từng câu.

Nếu 2 giám khảo chấm lệch điểm với nhau (thường là môn Ngữ văn và các môn chuyên xã hội) khoảng 0,25 điểm/ câu thì thông thường giám khảo 1 sẽ thống nhất và theo điểm giám khảo 2 (người đã chấm trực tiếp trên bài thí sinh). Nhưng, nếu lệch nhau nhiều hơn thì 2 giám khảo phải bàn bạc, trao đổi thống nhất với nhau. Phương án nhiều giám khảo chấm thi môn Ngữ văn hay áp dụng là lấy điểm của 2 người cộng lại rồi chia đôi. 

Ví dụ, giám khảo A cho phần làm văn 3,0 điểm; giám khảo B cho 2,0 điểm thì sẽ cộng điểm của 2 người lại và thống nhất cho phần đó 2,5 điểm.

Đối với các môn tự nhiên, môn Tiếng Anh thì cơ bản không phải thực hiện việc chia điểm như môn Ngữ văn vì đúng là đúng, sai là sai và giám khảo chấm theo định lượng cụ thể. Vì thế, nếu có sai sót là do cộng điểm tổng của bài thi, hoặc sót 1 ý nhỏ mà thôi.

Đối với việc đối chất, thống nhất điểm thi giữa 2 giám khảo nếu trùng điểm chấm thì không phải sửa điểm nhưng lệch điểm thì sẽ gạch bỏ điểm ban đầu và ghi điểm mới vào và ký tên chỗ sửa điểm của từng câu, hoặc phần tổng điểm của bài thi.

Khi hoàn thiện công việc đối với xấp bài của phòng thi thì giám khảo 2 sẽ nộp bài cho tổ trưởng, hoặc tổ phó và bài thi đã hoàn tất sẽ được nộp lên hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thi sẽ tiếp tục lựa chọn khoảng 15-20% số bài đã được giám khảo 1 và 2 chấm xong để thực hiện chấm thẩm định. Việc chấm thẩm định (chấm kiểm tra) lại có một tổ chấm riêng biệt và bộ phận này sẽ rà soát lại nội dung từng câu, cộng tổng điểm từng phần xem có sai sót gì không.

Việc chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện theo nhiều bước độc lập, riêng biệt nên về cơ bản gần như rất hiếm có những sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh. 

Bởi vì, giám khảo này có thể sai sót một ý, một câu nhỏ nào đó thì đã được giám khảo chấm cặp với mình phát hiện khi thống nhất điểm. Bên cạnh đó, còn có bộ phận chấm thẩm định nên các bài thi được chấm cẩn thận, tỉ mỉ và gần như khi nộp lên hội đồng chấm thi là không còn sai sót gì nữa.