Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần đổi mới tư duy mua bán gạo sang liên kết hợp tác
Việc xuất khẩu gạo như một cam kết của Việt Nam với lương thực thế giới nhưng không được gây sốc cho thị trường nội địa, hoặc làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.
Ngày 15/8, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra giải pháp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình giá lúa gạo tăng cao do nhiều nước cấm xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Song An cũng nhắc đến việc một số nơi có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt trước tình hình giá lúa gạo tăng cao, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá lên cao bất hợp lý khiến người tiêu dùng lo lắng. Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Bộ trưởng đề nghị các bên liên quan cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt. Nếu chỉ phân tích một khía cạnh, đánh giá một phía sẽ không có được cái nhìn toàn diện.
“Tôi mong bà con nông dân, doanh nghiệp lúc này cần tôn trọng, chia sẻ với nhau. Tôi có nói với bà con nông dân là mua bán không chỉ là vấn đề được lợi mà nghĩ rằng xem mùa sau có mua bán được với họ nữa hay không, nếu chúng ta ép một người thì rất khó làm ăn lại đợt sau. Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết hợp tác thì mới bền vững”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nhiệm vụ số một là bảo đảm an ninh lương thực sau mới đến xuất khẩu gạo
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, ngày nào Đồng bằng sông Cửu Long cũng xuống giống theo con nước. Nếu không có biến động con nước, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu việc xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% diện tích lúa đã được liên kết chuỗi, phần diện tích lúa còn lại không có liên kết nên không kiểm soát được. Giá nông sản nói chung, trong đó có giá lúa, chịu quy luật cung cầu. Ngoài ra còn chịu nhiều vấn đề khác như vấn đề đặt cọc, câu chuyện thỏa thuận, mua bán, mùa vụ…
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ. Nhiệm vụ số một là đảm bảo an ninh, thứ hai mới là đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Việc xuất khẩu gạo như một cam kết của Việt Nam với lương thực thế giới đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hoặc làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đang có kế hoạch cùng các địa phương quán triệt để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nghịch lý quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng cuộc sống người nông dân vẫn khó khăn
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chỉ ra thực trạng Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn. Nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê và khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Và trong nông nghiệp, người trồng lúa có thu nhập thấp nhất. Với bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.
Việc bảo đảm nguồn thu nhập cho người nông dân là điều Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hết sức quan tâm. Trong đó, việc cải thiện thu nhập không chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí.
Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20-25% chi phí đầu vào do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Điều này giúp gia tăng thu nhập cho người nông dân.
Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó thì chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác.
Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian và thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp ở nông thôn, người nông dân không chỉ hưởng thành quả từ cây lúa, mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác.
Từ thực tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, người nông dân cần liên kết lại trong hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google