Chủ tịch Quốc hội: Cần giải bài toán kép vừa xuất khẩu gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước
Chủ tịch Quốc hội nhận định, giá gạo đang tăng lên, Việt Nam tận dụng cơ hội nhưng vẫn cần đảm bảo được ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn thường niên của Ủy ban Thường vụ và cho ý kiến các chuyên đề giám sát năm 2023 và 2024, trong đó có những nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thị trường xuất khẩu gạo.
Về phiên chất vấn sẽ diễn ra vào ngày 15/8 sắp tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở đề xuất của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nội dung quan trọng nhất để chất vấn. Trong đó gồm các nội dung chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tư pháp.
Nghiên cứu giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản, đảm bảo xuất khẩu gạo không làm ảnh hưởng tới an ninh lương thực trong nước
Đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên chất vấn ngày 15/8, các đại biểu sẽ chất vấn về giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản và tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Cùng với đó là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực; vấn đề giá gạo và xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về tình hình lương thực trên thế giới, một số nước cấm xuất khẩu gạo, một số nước rút khỏi thỏa thuận lương thực nên giá gạo tăng lên. Việt Nam tận dụng cơ hội này như thế nào để vừa xuất khẩu gạo vừa đảm bảo ổn định thị trường và an ninh lương thực trong nước? Đây là vấn đề cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn hiện nay.
Một số vấn đề thuộc lĩnh vực pháp luật sẽ được nêu ra trong phiên chất vấn
Về lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, các đại biểu sẽ chất vấn về công tác xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật: dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Xem xét dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án luật: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google