Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt có thể đạt con số kỷ lục
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc cả về sản lượng lẫn giá trị trong 7 tháng năm 2023.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, tổng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 660.738 tấn, kim ngạch đạt 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về giá trị so với tháng 6.
Tính riêng nửa cuối tháng 7, cả nước xuất khẩu 411.462 tấn gạo, đạt giá trị 227,2 triệu USD. Lượng gạo xuất khẩu tăng tới 65% và kim ngạch tăng gần 68% so với hồi đầu tháng.
Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỉ USD, tăng 20,1% về lượng và 31,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, một số mặt hàng như gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn.
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao hiếm có trong 15 năm trở lại đây. Cụ thể giá xuất khẩu gạo 5% tấm đã chạm mốc 638 USD/tấn, gạo 25% cũng tăng lên mức 618 USD/tấn.
Đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam khởi sắc ở cả 3 tiêu chí lượng, kim ngạch và trị giá bình quân
7 tháng năm 2023, chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn).
Gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn). Gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 324.000 tấn); còn lại là các loại gạo khác.
Philippines tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay, khi nước này nhập khẩu 1,76 triệu tấn gạo từ nước ta, tương đương 985 triệu USD. Các nước như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, chất lượng gạo Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của tất cả thị trường thế giới. Xuất khẩu gạo đang tăng trưởng mạnh, đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người dân với giá cả tốt nhưng vẫn bình ổn được thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Xuất khẩu gạo đang có nhiều lợi thế, doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ ngắn trước mắt
Thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới Ấn Độ (xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo/năm) có thể thu hồi lệnh cấm bất cứ lúc nào, khi đó giá gạo sẽ không thể duy trì ở ngường cao.
Do đó, các doanh nghiệp nên tận dụng thời cơ ngắn hạn để đẩy mạnh xuất khẩu với giá bán cao. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, gia tăng sản xuất các loại gạo thơm, gạo đặc sản, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường thế giới đang khan hiếm nguồn cung khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, một số nước Đông Nam Á kêu gọi nông dân giảm trồng lúa trước hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài. Việt Nam đang có những lợi thế nhất định để tăng sản lượng và giá xuất khẩu gạo. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt con số kỷ lục 8 triệu tấn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google