Tản mạn về "Văn hóa học đường"
Không nên hiểu "Văn hóa học đường" chỉ là "Cách ứng xử". "Cách ứng xử" chỉ là những biểu hiện bề mặt của "Cách nghĩ" trong lòng người ta. Cho nên, việc tạo ra "Cách nghĩ" đúng về giáo dục, sẽ giúp cho việc dạy "Cách ứng xử" trở nên rất nhẹ nhàng.
***
Học sinh đến trường với những xuất phát điểm văn hóa khác nhau.
- Từ những gia đình "gia giáo", thì thường đã có sẵn "Cách nghĩ" đúng và do đó, thường có "Cách ứng xử" khá chuẩn, kể cả cách nói năng.
- Từ những gia đình "xuề xòa", thì "Cách nghĩ" còn chưa bằng các bạn nói trên và do đó, nhiều khi "Cách ứng xử" còn vụng, còn hay nói trống không...
Việc của nhà trường là làm cho học sinh, dù có xuất phát điểm như thế nào, đều dần phải có chung một tiêu chuẩn về "Cách nghĩ" và từ đó, dần có "Cách ứng xử" và nói năng đúng với "lễ thầy trò", "tình bè bạn"..., tức là "có học" hơn.
***
Con trẻ như những tờ giấy trắng, viết lên thì dễ mà xóa đi thì khó. Gia đình và nhà trường chính là những "người" đầu tiên viết lên những tờ giấy ấy. Viết sao cho sau đó không phải xóa đi?
Xưa nay ta hay nói, có ba yếu tố cấu thành nền giáo dục, đó là "Gia đình - Nhà trường - Xã hội".
"Gia đình" mà "viết" sai từ những dòng đầu, tất làm khó cho "Nhà trường"!
"Xã hội" mà không tốt đẹp, cũng tất làm cho "Nhà trường" thấy khó!
"Nhà trường" như cái đòn gánh, gánh ở hai đầu, cả "Gia đình" lẫn "Xã hội" trong việc dạy trẻ. Nó sẽ oằn lên bởi phải nặng gánh ở hai đầu hay nó sẽ được nhẹ nhõm nhịp nhàng bởi niềm vui dạy trẻ?
"Văn hóa học đường", như đã nói, không chỉ là "Văn hóa ứng xử".
- Công sở, chùa chiền to hơn trường học; hàng quán sát trường; đều là phản lại "Văn hóa học đường".
- "Vệ sinh học đường", có vẻ là chuyên môn hẹp, nhưng để thực hiện tốt, lại là "Văn hóa học đường".
Ví dụ : Để 60 - 70% học sinh cận thị, tức là thiếu "Văn hóa học đường".
Để ba lô học sinh nặng mãi như bây giờ, là thiếu "Văn hóa học đường".
Để SGK luôn là nỗi lo - băn khoăn - nghi ngờ của phụ huynh và học sinh, là thiếu "Văn hóa học đường".
Để học sinh thấy bất bình đẳng vì "trường chuyên lớp chọn" quá nhiều, là thiếu "Văn hóa học đường".
Để học phí ngày càng đè nặng lên vai phụ huynh, là thiếu "Văn hóa học đường".
Để "văn mẫu" hoành hành trong nhà trường nhiều năm làm môn văn bị "mô-nô-tôn hóa", là thiếu "Văn hóa học đường".
Để "bệnh thành tích" của ngành giáo dục còn mãi, là thiếu "Văn hóa học đường".
Để nạn bằng giả sống sót mãi, là thiếu "Văn hóa học đường".v.v... và v.v...
Xưa, mẹ của Mạnh Tử thấy nhà mình gần chợ nên con toàn bắt chước việc buôn bán, bà tự nhủ: "Chỗ này không phải là nơi tốt cho việc học tập của con ta" và đã phải dọn nhà đi chỗ khác.
Sau lại thấy "chỗ khác" ấy gần bãi tha ma nên con toàn bắt chước việc chôn cất, bà lại tự nhủ: "Chỗ này không phải là nơi tốt cho việc học tập của con ta" và phải chuyển nhà đến gần nơi Khổng Tử dạy học.
Từ đó, con bà chỉ học theo Khổng Tử và cuối cùng, thành ra Mạnh Tử.
Chuyện ấy tuy rất cũ, nhưng đó là bài học đầu tiên về "Văn hóa học đường"!
"Văn hóa học đường" dài lắm, nay xin tản mạn thế thôi! Chỉ khi những người làm giáo dục có "Cách nghĩ" và cách làm đúng về nó, thì học sinh mới được thụ hưởng "Cách nghĩ" đúng và từ đó, mới dễ có "Cách ứng xử" đúng đắn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google