Bỏ danh hiệu Học sinh tiên tiến, khen thưởng học sinh như thế nào?

Thành Phúc
16:51 - 01/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc bỏ danh hiệu Học sinh tiên tiến theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đã và đang nhận được sự quan tâm của đội ngũ giáo viên dạy cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó, việc đánh giá, khen thưởng học sinh thực hiện như thế nào?

Hiện nay, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang thực hiện việc đánh giá, xếp loại học tập cho học sinh bằng 2 văn bản khác nhau.

Những lớp đang thực hiện chương trình 2006 sẽ thực hiện công việc này bằng Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Những lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Bởi lẽ, học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn khen thưởng 2 danh hiệu về học tập là danh hiệu "Học sinh giỏi" và danh hiệu "Học sinh xuất sắc". Ngoài ra, còn khen thưởng cho những học sinh có thành tích đột xuất, thành tích đặc biệt.

Bỏ danh hiệu Học sinh tiên tiến, khen thưởng học sinh như thế nào? - Ảnh 2.

Danh hiệu Học sinh giỏi và Học sinh xuất sắc sẽ chọn lọc chất lượng học trò chính xác vào dịp cuối học kỳ, cuối năm học. Ảnh: Mạnh Chiến

Thực hiện Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT không còn danh hiệu Học sinh tiên tiến

Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì đối với năm học 2022-2023 này sẽ có lớp 6, lớp 7 và lớp 10 không còn phân loại học sinh theo các mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém mà thay vào đó, kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh xuất sắc cho học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên; Khen danh hiệu Học sinh giỏi cho những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.

Ngoài ra, nhà trường có thể khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng.

Việc cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có thể sẽ hạn chế được việc khen thưởng tràn lan như những năm qua bởi ngưỡng điểm như vậy thì sẽ rất ít học sinh đạt được. Đặc biệt, nếu như các trường trên cả nước đều dạy thật, học thật, đánh giá thật thì sẽ tránh được ttình trạng khen thưởng gần hết học sinh trong một lớp như trước đây.

Trước đây, đối với những lớp đang thực hiện chương trình 2006 (chương trình cũ) hiện nay, khi thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì học sinh đạt được điểm trung bình tất cả các môn từ 8,0 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 6,5 điểm và 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ có ít nhất 1 môn trên 8,0 điểm là được xếp loại học lực giỏi; khen thưởng danh hiệu Học sinh giỏi.

Những học sinh có điểm trung bình các môn từ 6,5 trở lên, không có môn nào dưới 5,0 và có 1 trong 3 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên sẽ được xếp loại học lực Khá và khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến.

Thế nhưng, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT bỏ khống chế điểm của 1 trong 3 môn Toán, Văn, Anh và thêm danh hiệu Học sinh xuất sắc mà ngưỡng để đạt được danh hiệu Học sinh giỏi và Học sinh xuất sắc có phần khó hơn trước đây.

Vì thế, nếu các trường mà đặc biệt là giáo viên bộ môn làm thật, đánh giá thật thì mỗi năm học sẽ không nhiều Học sinh giỏi và Học sinh xuất sắc và số lượng khen thưởng hàng năm sẽ ít lại.

Điều này khiến cho việc đánh giá học lực của học sinh chính xác hơn, khen thưởng có ý nghĩa và thúc đẩy động lực học tập, rèn luyện. 

Để đạt được danh hiệu Học sinh xuất sắc theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có khó không?

Khi nghĩ về một danh hiệu xuất sắc, chúng ta thường nghĩ đến những con người đạt được những thành tích nổi bật hơn hẳn mức bình thường. Danh hiệu Học sinh xuất sắc cũng vậy, ai cũng nghĩ đến những học sinh ưu tú, có những thành tích vượt trội so với bạn bè trong lớp, trong trường.

Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, khen thưởng danh hiệu Học sinh xuất sắc đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đã bỏ hẳn danh hiệu Học sinh tiên tiến, chỉ có danh hiệu Học sinh giỏi và Học sinh xuất sắc sẽ hạn chế việc lạm phát khen thưởng học trò vào dịp cuối học kỳ, cuối năm học - đây là những tín hiệu tích cực khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hướng tới phát triển phẩm chất năng lực cho học trò.

Tuy nhiên, muốn phát huy được mặt tích cực của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì việc đầu tiên là chỉ tiêu mà cấp trên giao phải phù hợp, giáo viên không vẫn phải thực hiện theo những số liệu được tổ chuyên môn và trường thống nhất ở thời điểm đầu năm học một cách máy móc, mệnh lệnh.

Bên cạnh đó, các địa phương phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Nếu không, bệnh thành tích, danh hiệu học tập của học trò vẫn có thể xảy ra nhiều. Từ đó, việc đánh giá hiệu quả và học càng khó khăn hơn.