Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả để ứng phó nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Nhật Minh
23:39 - 05/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay đã xuất hiện biến thể mới của Omicron khiến dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Thủ tướng đề nghị các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, yêu cầu đẩy mạnh tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19.

Sáng 5/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo đã có buổi làm việc với các đại biểu để thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước.

Tình trạng gia tăng ca mắc COVID-19 do biến chủng mới

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay biến thể BA.5 của Omicron đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả để ứng phó nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể sẽ được ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế nhận định, tốc độ gia tăng số ca mắc hàng ngày của COVID-19 sẽ phụ thuộc vào các yếu tố bao gồm: bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển đạt kết quả tương đối toàn diện trên các mặt.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc tiêm vaccine, thậm chí né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân tại một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vaccine; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả.

Vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả để ứng phó với dịch COVID-19

Hiện nay, vấn đề phòng dịch là vấn đề cơ bản, chiến lược lâu dài, nếu quyết định phòng dịch tốt thì sẽ không phải chống dịch. Trên thực tế, trong quá trình đất nước phải đối phó chống dịch, vaccine phòng COVID-19 vẫn là thứ "vũ khí" an toàn và lợi hại giúp nhân dân vượt qua đại dịch.

Bên cạnh việc củng cố và nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở thì việc tiêm vaccine cũng là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.

Thủ tướng nhấn mạnh về "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu trong đợt đại dịch vừa qua.

"Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy", Thủ tướng nói.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tiêm được hơn 231 triệu liều vaccine. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 66,7% và 25,7%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỉ lệ xấp xỉ 100%, 98,4% và 7,2%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỉ lệ xấp xỉ 50,9% và 17,4%.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu đều khuyến nghị việc duy trì các biện pháp như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

Bình luận của bạn

Bình luận