Biến đổi khí hậu nghiêm trọng, Liên Hợp Quốc công bố "hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại"
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC), nhân loại vẫn còn cơ hội - gần như là cuối cùng - để ngăn chặn những tác hại tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai. Đó là nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Thời gian trên "quả bom hẹn giờ" biến đổi khí hậu đang tiếp tục trôi đi
Theo Washington Times, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) ngày 20/3 đã thông qua báo cáo tổng hợp có tên "hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại", cảnh báo về "quả bom hẹn giờ khí hậu".
Theo báo cáo, hội đồng các nhà khoa học hàng đầu của Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang tiến gần đến thời điểm không thể quay lại để chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn thiệt hại không thể đảo ngược do sự nóng lên toàn cầu.
Nhân loại còn cơ hội - gần như là cuối cùng - để ngăn chặn tác hại tồi tệ nhất trong tương lai của biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết: "Nhân loại đang ở trên lớp băng mỏng và lớp băng đó đang tan chảy nhanh chóng". Theo ông, thời gian trên quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu đang tiếp tục trôi đi. Báo cáo của IPCC sẽ là tài liệu hướng dẫn chi tiết cách gỡ quả bom này - hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại.
IPCC cho biết, quần thể cá đang suy giảm, các trang trại kém năng suất hơn, các bệnh truyền nhiễm gia tăng và thảm họa thời tiết đang leo thang đến mức cực đoan chưa từng thấy.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức nổi cộm về khí hậu mà nhân loại đang đối mặt, trong đó có những dữ liệu đáng quan ngại về các thảm họa tự nhiên và mực nước biển dâng.
Theo phân tích, đánh giá dữ liệu khí hậu của các nhà khoa học, tốc độ tăng nhiệt độ trong 50 năm qua cao nhất trong vòng 2.000 năm và carbon dioxide ở mức cao nhất trong ít nhất 2 triệu năm.
Báo cáo cho biết khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp quy định trong Thỏa thuận khí hậu Paris đang không còn khả thi. Lượng khí thải tiếp tục tăng qua từng năm.
Cơ hội gần như cuối cùng để ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu
Theo Liên Hợp Quốc, những vấn đề này chỉ có thể được đảo ngược bằng cách nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nỗ lực để đạt mức phát thải ròng bằng 0 "càng gần năm 2040 càng tốt" thay vì đợi đến năm 2050.
Báo cáo đưa ra nhận định: Thế giới đã có tất cả kiến thức, công cụ và nguồn tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu về khí hậu. Nhưng sau nhiều thập kỷ coi thường các cảnh báo khoa học và trì hoãn các nỗ lực về khí hậu, "cơ hội để đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho toàn nhân loại đang đóng lại nhanh chóng".
Ông Guterres kêu gọi loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 ở các nước phát triển và năm 2040 ở các nước kém phát triển hơn; đạt mức điện lưới bằng không vào năm 2035 đối với các nước phát triển và năm 2040 đối với phần còn lại của thế giới; dừng các dự án dầu khí tự nhiên mới; dừng mọi hoạt động mở rộng trữ lượng dầu khí hiện có; chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang chuyển đổi năng lượng sạch; thiết lập một giai đoạn toàn cầu giảm sản lượng dầu khí hiện có vào năm 2050.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các quốc gia kém phát triển, tuy đóng góp ít nhất vào biến đổi khí hậu nhưng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cộng đồng quốc tế nên tăng cường những biện pháp hỗ trợ cho các khu vực này để thực hiện các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.
Các nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức tư vấn thiên tai đánh giá báo cáo khí hậu của Liên Hợp Quốc là một hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội.
Giám đốc Khí hậu Quốc tế tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ Anne Christianson bày tỏ quan điểm: "Báo cáo của IPCC cho thấy việc ngăn chặn thảm họa khí hậu vẫn nằm trong tầm tay của chúng ta, nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng chuyển đổi sang nền kinh tế sạch 100% trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, sức khỏe và sự an toàn của các cộng đồng trên khắp thế giới sẽ bị đe dọa."
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google