"Bệnh chiếm mặt tiền danh lợi"?

Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada).
15:26 - 05/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nếu các vị quan chức thể thao không mắc cái "bệnh chiếm mặt tiền danh lợi" trong lễ xuất quân của đội tuyển bóng đá nữ đi dự World Cup thì dù phóng viên chụp ở góc độ nào cũng không ra được tấm ảnh phản cảm như thế?

Khi thành công thì nhiều người nhận công lao, khi có lỗi thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Ảnh minh họa: IT

Khi thành công thì nhiều người nhận công lao, khi có lỗi thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Ảnh minh họa: IT

Đi công việc về đến nhà, làm việc, nghỉ ngơi rồi mà vẫn thấy lòng chênh chao. Ngột ngạt bởi chốn phố thị đông người, nơi nhà thương chật cứng bệnh nhân và tiếng còi xe cứu thương thất thanh, thảng thốt cố lao lên, vọt lên để đưa bệnh nhân nguy hiểm đến nơi cấp cứu trong vô vọng bởi kẹt xe, tắc đường.

Lướt báo chí thấy vừa vui buồn lẫn lộn.

Vui vì đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử bóng đá nữ nước nhà, lần đầu tiên tham gia giải bóng đá nữ lớn nhất hành tinh - World Cup.  Lễ xuất quân trang trọng là một sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với đội tuyển, là dấu mốc quan trọng của lịch sử bóng đá nữ nước ta, là dịp để người hâm mộ thể hiện niềm tự hào, đồng thời cũng là nguồn động viên, khích lệ các cô gái vàng.

Nhưng lại không vui, thậm chí là rất buồn vì xem một số hình ảnh đăng trên một số tờ báo. Nhìn ảnh đăng trên báo không thấy các cháu gái - những nhân vật chính của tuyển thủ Sao Vàng nước Việt - chỉ nhìn thấy nhiều vị mày râu (chắc là quan chức thể thao) comple, cà vạt, giầy tây bóng loáng đứng dàn mặt tiền che lấp hết cả đội tuyển. Nhìn mấy tấm ảnh đó, người đọc, người xem không thể chấp nhận được. Đúng ra là các cháu gái của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khi xuất quân đi tham dự World Cup phải được đứng ở vị trí trung tâm, đó mới là thể hiện sự vinh danh. Chẳng hiểu sao, những cô gái làm nên lịch sử bóng đá nữ nước nhà phải nhường chỗ (đúng ra là bị chiếm chỗ) bởi các vị quan chức thể thao quần là áo lượt!  Chắc không đến nỗi họ "tranh công" như ai đó bình phẩm. Nhưng việc các quan chức thể thao dàn hàng ngang mặt tiền che lấp gần như toàn bộ đội tuyển nữ - những nhân vật trung tâm của sự kiện - như đang thể hiện mình là những "tiền đạo", là việc làm khiến người ta nghĩ rằng các vị "chiếm mặt tiền danh lợi" (để "khoe danh"). 

Còn nhớ cách đây mấy năm, đội tuyển bóng đá nam sau khi thi đấu vang dội ở Trung Quốc trở về đã được đón tiếp long trọng suốt quảng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên truyền hình, đã xảy ra sự cố "chiếm mặt tiền" thô thiển mang tính tranh công. Chả là lúc đó có một vị quan chức bóng đá nhảy lên ô tô có đội tuyển đứng, chiếm ngay mặt tiền, hò hét, tay chém như múa kiếm cứ như ông ta chính là người làm nên thành tích của đội tuyển. Không may cho ông ấy là do truyền hình trực tiếp nên người dân lập tức phẫn nộ. Khổ cho ông ấy, suốt cả tháng trời bị hứng "gạch, đá"  tơi bời trên mạng xã hội và cả trên báo chí. 

 Đạo làm cán bộ ở nước ta phải chuẩn chỉ như Bác Hồ kính yêu đã dạy: Vị công vong tư; không hiếu danh; không kiêu ngạo; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ... 

Thế nhưng, hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, quan chức đang đi ngược lại lời dạy của Bác. 

Trong cuộc sống, sự thẩm thấu, truyền tải của văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn luôn như dòng chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông cha chúng ta đã dạy "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" - đi, đứng, ngồi cần phải nhìn trước, ngó sau cho đúng với hoàn cảnh, đúng với thực tế đang diễn ra, khiêm nhường biết đủ là đủ, biết mình là ai để ứng xử cho phải đạo. Ông cha chúng ta cũng dạy: phải học ăn, học nói, học gói, học mở... Người quan trọng thì đứng ở đâu (phía sau hay ở cánh gà) thì nhiều người vẫn biết; người bình thường thì dù cố chen đứng ở vị trí quan trọng, ở mặt tiền thì mọi người cũng chẳng quan tâm. 

"Bệnh chiếm mặt tiền danh lợi" trong xã hội dường như đang gia tăng. Chuyện kể trên (đứng vị trí nào) trong khi chụp ảnh tưởng nhỏ nhưng lại không nhỏ khi nó đã thành "bệnh dịch", nếu chúng ta chịu khó quan sát thì thấy rất nhiều. Ngay chuyện nhỏ như một nhóm người ăn cơm bình thường, thế mà có người cứ luôn luôn chiếm chỗ ở bàn ăn trên cùng, rồi chiếm ghế cho anh A, chị B, anh C..., đuổi những người không có chức sắc khác xuống bàn dưới. Phải chăng khi chiếm chỗ ngồi ăn như thế họ mới có bữa ăn ngon? Không đâu, họ rất hám danh. Với họ, ăn cũng phải có danh, chỗ ngồi ăn cũng phải là chỗ  "vua biết mặt, chúa biết tên", ngồi ăn cùng những người cùng đẳng cấp. "Bệnh chiếm  mặt tiền danh lợi " là do hám danh lợi, thích oai phong. Chúng ta quá nhiều lần nhìn thấy khi tập thể chụp ảnh lưu niệm trong một sự kiện nào đó thì gần như không tránh khỏi cảnh xô đẩy, bởi nhiều người tranh chỗ đứng ở hàng đầu, ngay trung tâm, ngay cạnh người quan trọng nhất. Nhất là khi có vị lãnh đạo cao cấp đến tham dự sự kiện, không hiếm cảnh cán bộ chức vị bé tý ti ở cấp cơ sở, hoặc người không liên quan, chỉ là khách ăn theo, cũng phải tìm cách chen đến đứng cạnh... Có nhiều lần, người chụp ảnh ngơ ngác tìm vị lãnh đạo cao cấp (nhân vật trung tâm) không thấy đâu vì họ đứng xa, đứng sau để nhường "mặt tiền" cho những người "hám danh lợi" đang chen chúc, xô đẩy. 

 Và bây giờ, trong lễ xuất quân của đội tuyển bóng đá nữ, có người chẳng liên quan gì nhiều, công sức đóng góp cũng không có gì cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, thế mà vẫn giành chỗ mặt tiền để "check in". Theo nhà báo Vũ Hùng, ở Hà Nội đầu thế kỷ XX có một rạp hát riêng diễn tuồng hát bội, gọi là rạp Quảng Lạc. Rạp tọa lạc tại số 8, Rue Géraud (nay là phố Tạ Hiện). Lối diễn thì cũng đều giống như lối tuồng miền Trung mà thôi. Trong dân gian từ đó có câu thành ngữ “Tướng Quảng Lạc” để chỉ những ông tướng chỉ biết diễn trên sân khấu, quần dài áo thụng nom rất oai, nhưng tuyệt nhiên không biết chiến đấu ngoài sa trường. Biết chuyện này, người viết chợt cười, nhưng mắt lại rưng rưng!

Trong cuộc sống, biết lùi về sau để giành chỗ cho thế hệ sau, giành chỗ cho những người xứng đáng, đó mới là người đáng được kính trọng. 

Có ý kiến cho rằng có lỗi của phóng viên chụp ảnh và tổng biên tập các tờ báo đăng cái ảnh phản cảm nêu trên: sao lại chụp và cho đăng cái ảnh phản cảm thế? Nghe cũng có chút lý đấy. Nhưng nếu các vị quan chức thể thao không mắc cái "bệnh chiếm mặt tiền danh lợi"  trong lễ xuất quân của đội tuyển bóng đá nữ đi dự World Cup thì dù phóng viên chụp ở góc độ nào cũng không ra được tấm ảnh phản cảm như thế? Và nếu như một số tờ báo không đăng tấm ảnh đó, sẽ có nhiều vị buồn lòng lắm lắm!