Bỏ quên học sinh trên xe: Cần có quy định từng phần trách nhiệm
Sự việc học sinh Trường Tiểu học Archimedes Academy bị bỏ quên trên xe ô tô lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy trình đưa, đón học sinh. Quy trình này phải luôn được các cấp quản lý, giáo viên và phụ huynh quan tâm đúng mức.
Bỏ quên học sinh trên xe - trách nhiệm thuộc về giáo viên phụ trách
Thông tin về sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô trong chuyến dã ngoại ngày 23/6 của Trường Tiểu học Archimedes Academy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân là do giáo viên phụ trách chủ quan bỏ qua công đoạn quan trọng là điểm danh học sinh khi xuống xe.
Về sức khỏe, tâm lý học sinh bị bỏ quên trên xe, ngay sau vụ việc, Trường Tiểu học Archimedes Academy khẳng định: "Tâm lý học sinh ổn định. Sau khi ăn và nghỉ trưa, học sinh tiếp tục chương trình trải nghiệm vui vẻ với bạn bè và thầy cô".
Thật may mắn là sức khỏe của học sinh này ổn định nhanh trở lại. Vụ việc không có gì cần nói thêm ngoài việc phụ huynh và cô giáo được phen hoảng hồn, lo sợ. Sau sự việc, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: "phải chăng tài xế những chuyến xe chở học sinh không được thỏa thuận về quy tắc làm việc đối với những chuyến xe chở trẻ nhỏ? Còn cô giáo phụ trách đi cùng để quản lý học sinh - rõ ràng giáo viên này bất cẩn, cẩu thả thiếu trách nhiệm trong công việc".
Ngay dưới bài đăng xin lỗi của Trường Tiểu học Archimedes Academy trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường phải thay đổi quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Đồng thời công khai cho tất cả phụ huynh biết. Thiệt hại đầu tiên của nhà trường là thất tín với đông đảo các phụ huynh khi trước đó, họ tin tưởng gửi con cái mình cho các hoạt động của nhà trường.
Một phụ huynh ý kiến: "Trường nên bắt buộc lái xe khi tắt máy phải đi kiểm tra lại hết các hàng ghế và xác nhận trên hệ thống là đã trả hết học sinh xuống xe mới được di chuyển về bãi. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng phải điểm danh trẻ khi xuống xe. Cần có 2 bộ phận tách biệt như vậy kiểm tra song song thì mới tránh được tình huống đếm thiếu, không đếm hay đếm sai".
Một phụ huynh khác cho rằng: "Nhà trường có thể tham khảo gắn thiết bị kiểm tra ở cuối xe. Khi trả hết học sinh, tài xế phải xuống bấm vào thiết bị này để xác nhận đã kiểm tra xe mới hoàn thành chuyến đưa, đón".
Điều đáng nói, trên đây chỉ là các giải pháp phụ huynh gợi ý để quản lý buộc tài xế và người giám - quản phải thực hiện các quy trình nhằm tránh sai sót. Điều quan trọng hơn là muốn triệt để bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, cần một tinh thần trách nhiệm, tình thương yêu của những người làm công việc liên quan đến thanh thiếu niên, nhi đồng - những đứa trẻ chưa đủ điều kiện tự bảo vệ mình.
Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô. Báo chí từng phản ánh nhiều vụ việc bỏ quên trẻ trên ô tô ở Việt Nam và cả nước ngoài, để lại những hậu quả thương tâm khiến người lớn phải ám ảnh suốt đời.
Qua mỗi sự việc, nhiều kiến nghị đã được đưa ra bàn luận nhằm tìm ra giải pháp tăng tính an toàn khi trẻ di chuyển bằng xe đưa đón của nhà trường. Kết quả là có trường thực hiện, có trường không và hiện vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể về hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô.
Luật cần thời gian điều chỉnh nhưng nguy cơ mất an toàn đối với học sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Trước đó, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải bổ sung một số quy định về hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ô tô, xe buýt trường học và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung.
Đến kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa 15 (tháng 10/2023), dự án Luật Đường bộ của Bộ Giao thông vận tải mới được trình Quốc hội cho ý kiến. Dự án luật đã bổ sung nhiều quy định để đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động đưa, đón học sinh.
Cụ thể, phương tiện và người lái xe đưa đón học sinh phải đáp ứng những đặc thù như: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm và có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng. Lái xe ô tô đưa, đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.
Cùng với đó, xe ô tô sử dụng để đưa, đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Đặc biệt, cơ sở giáo dục, đào tạo phải có trách nhiệm trong việc xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa, đón học sinh.
Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Luật cần thời gian để điều chỉnh, ban hành nhưng sự nguy hiểm trong quá trình đưa đón học sinh luôn rình rập bất cứ lúc nào. Trong thời gian chờ đợi, cần lắm những giáo viên, tài xế có tâm, trách nhiệm bởi yếu tố con người vẫn là then chốt. Nếu mỗi cá nhân tắc trách, lơ là dù chỉ là một giây cũng có thể gây ra thảm họa.
Nhìn rộng ra, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đưa, đón học sinh sẽ không chỉ dừng lại từ nhà đến trường, mà còn nhiều chuyến đi trải nghiệm khác để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ. Và trong những không gian rộng lớn hơn ngoài khuôn khổ một chiếc xe buýt hay trường học, trách nhiệm của người giáo viên càng phải được đề cao.
Thời gian qua đi, sự việc học sinh Trường Tiểu học Archimedes Academy bị bỏ quên trên xe sẽ dần lắng xuống. Nhưng quy trình đưa, đón trẻ bằng xe ô tô của nhà trường luôn phải được quan tâm đúng mức của không chỉ ở cấp quản lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn phải từ mỗi nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google