Bắt nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 6 tỷ đồng
Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can Nguyễn Thành Tâm - nguyên là cán bộ tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Trang TTĐT Công an tỉnh Trà Vinh, ngày 24/3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Thành Tâm (sinh năm 1992, ngụ ấp Kinh Ngay, xã Đại Phúc, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2018 đến tháng 9/2022, bị can Tâm làm cán bộ tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Đầu năm 2022, do mất cân đối về tài chính, bị can thiếu nợ của nhiều người. Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, từ tháng 6/2022 đến tháng 7/2022 bị can Tâm đưa ra thông tin gian dối cần vay tiền để cho khách hàng vay lại đáo hạn ngân hàng.
Tin lời của bị can Tâm, các bị hại gồm bà Nguyễn Thị Đ (ngụ huyện Duyên Hải), bà Lê Thị Xuân T (ngụ huyện Châu Thành) và bà Nguyễn Thị Cẩm T (ngụ thành phố Trà Vinh) đã cho Tâm vay với tổng số tiền 8.150.000.000 đồng.
Tâm hứa trong thời hạn 3 đến 7 ngày sẽ trả lại đủ số tiền cho các bị hại. Tuy nhiên, khi đến hạn, Tâm chỉ trả một phần và đưa ra thông tin gian dối là hồ sơ gặp vấn đề, ngân hàng chưa giải ngân nhằm kéo dài thời gian trả số tiền còn lại là 6,2 tỷ đồng. Nhận thấy Tâm mất khả năng thanh toán và có dấu hiệu lừa đảo, các bị hại đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.
Điều 174 - bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google