Bắt khẩn cấp cha dượng hành hung bé trai 9 tuổi

PV
15:26 - 12/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Trưa 12/3, cha dượng bạo hành bé trai 9 tuổi ở Bình Phước khiến dư luận phẫn nộ đã bị bắt khẩn cấp.

Bắt khẩn cấp cha dượng hành hung bé trai 9 tuổi- Ảnh 1.

Lê Đức Thắng tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Thông tin từ VietNamNet về vụ bé trai 9 tuổi bị cha dượng bạo hành, trưa nay (12/3), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã bắt khẩn cấp đối với Lê Đức Thắng (sinh năm 1982, ngụ Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em.

Theo lời khai của Thắng, vào tối ngày 8/3, thấy bé A nghịch điện thoại nên Thắng tiếp tục la mắng, trong lúc bực tức Thắng đã kéo bé A ngã xuống nền nhà, sau đó dùng chân tay giẫm đạp, đánh đập vào đầu, mặt và cơ thể bé dù cho bé khóc lóc van xin thảm thiết.

Toàn bộ hành vi của Thắng được camera của gia đình ghi lại, sau đó bị phát tán lên mạng xã hội.

Công an phường Tân Thiện sau đó đã mời đối tượng Lê Đức Thắng đến trụ sở làm việc, lấy lời khai. Xét thấy hành vi này có dấu hiệu hành hạ trẻ em nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đồng Xoài đã quyết định tạm giữ hình sự để điều tra.

VOV thông tin, Công an tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân xử lý án điểm để răn đe hành vi bạo hành trẻ em.

Dư luận phẫn nộ về hành vi cha dượng hành hạ bé trai 9 tuổi

bạo hành bé trai

Cha dượng bạo hành bé trai 9 tuổi ở Bình Phước. Ảnh chụp từ camera

Sáng 12/3, mạng xã hội chia sẻ video ghi lại cảnh người đàn ông dùng chân đạp, tay đấm vào mặt, người một bé trai. Mặc cho bé trai la hét, van xin nhưng người đàn ông vẫn không dừng lại, thậm chí còn kéo lê bé trai trên nền nhà.

Video chia sẻ nhanh trên mạng khiến dư luận phẫn nộ về hành vi của người đàn ông và đề nghị công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Lãnh đạo Thành phố Đồng Xoài xác nhận, sự việc xảy ra tại phường Tân Thiện, Thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Vụ việc xảy ra lúc 19h ngày 8/3 trong căn nhà ở phường Tân Thiện.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, Lê Đức Thắng và chị Đ.T.H (SN 1982, quê Quảng Ngãi) từng là vợ chồng và có chung 2 người con. Tuy nhiên năm 2012, hai người ly hôn do mâu thuẫn trong cuộc sống.

Sau khi ly hôn, Thắng sống một mình ở phường Tân Thiện, Thành phố Đồng Xoài, còn chị H. sống chung với một người đàn ông khác và sinh được 2 người con. Bé L.T.A (bé trai bị bạo hành) là con thứ hai của chị H. với người đàn ông sau này. 

Trong thời gian sống chung, chị H. với người đàn ông thứ hai cũng xảy ra mâu thuẫn nên chia tay. Sau đó chị H. đưa bé L.T.A về sống chung với Lê Đức Thắng ở phường Tân Thiện, Thành phố Đồng Xoài.

Trong quá trình sống Thắng thường xuyên đánh A vì cho rằng bé nghịch ngợm, nói không nghe lời. Chị H biết nhưng không dám báo cơ quan chức năng, người mẹ này đã gắn camera trong nhà để theo dõi.

Khoảng 19h ngày 8/3, khi chị H không có ở nhà, Thắng đã dùng tay, chân đánh liên tục vào người và đầu cháu L.Đ.A gây thương tích. Về nhà, thấy con bị thương, chị H đã đưa bé đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Đến ngày 11/3 bé được xuất viện với chẩn đoán đa chấn thương phần mềm.

Sáng ngày 12/3, chị H đã nhờ người thân đăng tải video lên mạng xã hội.

Bạo hành trẻ em là gì?

Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 bạo lực trẻ em là hành vi:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập;

- Xâm hại thân thể, sức khỏe;

- Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em.

Như vậy, bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, trong đó:

- Bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác như: đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

- Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguồn: Tổng hợp