Tạm đình chỉ công tác giáo viên bạo hành trẻ mầm non ở Ninh Bình

Lam Linh
11:58 - 15/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vụ giáo viên bạo hành trẻ mầm non ở thành phố Tam Điệp (Ninh Bình), giáo viên Lê Thị Phượng đã bị tạm đình chỉ công tác để cơ quan công an xác minh, điều tra, làm rõ hành vi bạo hành trẻ em.

Liên quan đến vụ giáo viên bạo hành trẻ mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) vừa qua đã tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên Lê Thị Phượng (sinh năm 1984) tại Trường mầm non Đông Sơn (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp).

Bà Phượng bị đình chỉ công tác để giải trình về hành động kéo lê, đá, tát vào người bé gái sinh năm 2019 đang theo học tại trường mầm non này được camera ghi lại, đồng thời phục vụ điều tra, xác minh của cơ quan Công an về vụ việc. 

Tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên bạo hành trẻ mầm non ở Ninh Bình  - Ảnh 1.

Hình ảnh từ camera ghi lại cô giáo bạo hành trẻ lan truyền trên mạng xã hội Facebook.

Trước đó, vào ngày 14/7, một đoạn video dài hơn 2 phút được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, ghi lại cảnh một cô giáo mặc áo phông sọc trắng đen tát vào mặt một bé gái đang ngồi trên ghế nhựa ở lớp học. Tiếp theo, giáo viên này giật mạnh tay bé gái, kéo lê trẻ vào phòng trong và tiếp tục dùng chân đá vào người, hành hung liên tiếp.

Thời điểm đó, trong lớp có một người phụ nữ khác (được cho cũng là giáo viên lớp học), tuy nhìn thấy hành động bạo hành nhưng cũng không can ngăn.

Sự việc trên xảy ra vào khoảng gần 15 giờ ngày 13/7. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và làm việc với nhà trường, giáo viên liên quan.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Trường mầm non Đông Sơn (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) và bà Lê Thị Phượng đã tới nhà gia đình bé T. để thăm hỏi và xin lỗi gia đình cháu bé.

Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu bà Lê Thị Phượng viết bản tường trình. Sau đó, trường cũng đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng.

Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo điều 1, Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Khoản 6, điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em".

Bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Đối với bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác như: đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

Ngoài ra, bạo lực tinh thần cũng được coi là hành vi bạo lực trẻ em. Bởi những hành vi như: chửi mắng, gây áp lực thường xuyên về tâm lý... dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Trong khi đó, theo khoản 3, điều 6, Luật Trẻ em năm 2016 thì bạo lực trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, người có hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo điều 22, Nghị định số 13/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu hành hành vi bạo hành trẻ em gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hành hạ người khác; Tội vô ý làm chết người và Tội giết người. Cụ thể như sau:

Theo điểm c, khoản 1, điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" như sau:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối với tội "Hành hạ người khác" được quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

Theo quy định tại khoản 1, điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Vô ý làm chết người" thì người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với tội "Giết người", điểm b, khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau: "Người nào giết người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình".

Có thể thấy, trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt trong pháp luật nước ta. Vì vậy, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.