Bé trai tự kỷ nghi bị bạo hành: Điểm dạy trẻ không có giấy phép, cô giáo từng muốn bồi thường 6 tháng học phí
Cô giáo trong vụ bé trai tự kỷ nghi bị bạo hành từng có ý định bồi thường gia đình bằng 6 tháng học phí, nhưng gia đình đã từ chối và tố cáo hành vi của cô Th. vì không muốn cháu bé nào bị cô đánh nữa. Điểm dạy trẻ của cô giáo này cũng không có trường lớp, giấy phép.
Điểm dạy trẻ không có giấy phép
Theo Báo Giao thông, liên quan đến vụ việc cháu bé 9 tuổi chậm phát triển dạng tăng động giảm chú ý nghi bị cô giáo bạo hành, chiều ngày 30/6, Ủy ban Nhân dân phường Phương Liệt (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an phường đã vào cuộc xác minh.
Ủy ban Nhân dân phường Phương Liệt thông tin: "Qua xác minh được biết, căn hộ ở số 360 Giải Phóng trên được cô giáo thuê ở và dạy tự phát. Có thể do phụ huynh quen biết nên gửi gắm con chứ không có trường lớp, giấy phép. Qua sự việc gia đình chỉ ra công an phản ánh chứ không đề nghị gì".
Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam, chị V.A. (mẹ cháu bé) cho biết, do con trai bị tự kỷ nên thông qua mạng xã hội thì gia đình chị biết đến cô giáo tên Th. (28 tuổi) nhận dạy. Cô Th. giới thiệu là thạc sĩ chuyên ngành sư phạm.
Sau khi tìm hiểu, gia đình chị A. cho con trai học từ khoảng tháng 4 đến nay. Giá tiền trước khi nghỉ hè là 8 triệu đồng/tháng, mỗi buổi chiều dạy 2 tiếng. Đến khi nghỉ hè, cô Th. nhận trông, dạy con chị A. cả ngày, chi phí khoảng 13 triệu đồng/tháng.
Đến ngày 20/6, gia đình chị V.A. phát hiện cơ thể của cháu bé có nhiều vết bầm tím. "Nhiều thời gian trước, con trai tôi không có biểu hiện gì bất thường. Nhưng đến ngày 20/6, gia đình tôi phát hiện vết bầm tím trên cơ thể cháu và cháu có biểu hiện hoảng loạn", chị V.A. bức xúc nói.
Cô giáo từng có ý muốn bồi thường gia đình bằng 6 tháng học phí
Trước sự việc trên, chị V.A. đã trao đổi với cô giáo thì người này nói cháu bé bị ngã. Tuy nhiên, sau những bằng chứng không thể chối cãi thì cô giáo đã thừa nhận hành vi đánh cháu bé.
Chị V.A. kể: "Thời điểm đó, tôi thương cảm cô giáo còn trẻ nên không định tố cáo mà chỉ yêu cầu cô viết bản cam kết sẽ không đánh con nữa. Tuy nhiên, vài ngày sau, con trai tôi vẫn khẳng định là bị 2 cô giáo đánh. Cảm thấy cô giáo không trung thực nên tôi đã quyết định tố cáo vụ việc với Công an phường Phương Liệt".
"Cô giáo từng có ý muốn bồi thường gia đình bằng 6 tháng học phí nhưng tôi không chấp nhận. Tôi quyết định tố cáo do người này không trung thực và không muốn cháu bé nào bị cô giáo này đánh nữa", chị V.A. chia sẻ thêm.
Ngày 30/6, trao đổi với phóng viên, chị V.A. cho biết, đến thời điểm này, con trai chị vẫn còn hoảng loạn, sợ hãi... hay giật mình vì bị bạo hành. "Nhìn con xuất hiện nhiều vết bầm tím trên người, phận làm mẹ, tôi đau xót lắm. Từ hôm xảy ra sự việc, nhiều đêm tôi không ngủ được vì thương con quá", chị A. kể.
Đại diện Công an phường Phương Liệt cho biết, đã nắm được thông tin về vụ việc và đang cử cán bộ đi xác minh.
Xử lý nghiêm minh đối với hành vi bạo hành trẻ em
Căn cứ vào tính chất, mức độ bạo hành trẻ em mà đối tượng thực hiện hành vi bạo hành đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, mức xử phạt vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.
Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi bạo hành trẻ em gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, bao gồm các tội sau: Điều 134 - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 128 - Tội vô ý làm chết người; Điều 123 - Tội giết người; Điều 140 - Tội hạnh hạ người khác.
Chẳng hạn, Điều 140 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội hành hạ người khác như sau:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google