Bắt đối tượng cưỡng ép 57 người Việt Nam ở lại Nga trái phép
Trong thời gian từ năm 2012 - 2016, Phan Công Quốc đã đưa 57 công dân Việt Nam từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, thành phố Hà Nội sang Nga để lao động và cưỡng ép ở lại trái phép.
Đưa lao động sang Nga, cưỡng ép ở lại nước ngoài trái phép
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, ngày 29/11/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở đối với Phan Công Quốc (sinh năm 1986, ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra, làm rõ về hành vi “Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”.
Theo hồ sơ của cơ quan Công an, năm 2007, Phan Công Quốc xuất cảnh sang Nga theo hình thức đi du lịch rồi ở lại làm thuê cho một xưởng may quần áo. Đến năm 2011, Quốc thuê mặt bằng mở xưởng may quần áo tại thành phố Mát-xcơ-va, nhưng không đăng ký kinh doanh. Sau đó liên hệ với cha mẹ ruột đang ở Việt Nam tìm người đưa sang Nga lao động trong thời gian 3 năm với điều kiện đưa trước cho Quốc số tiền là 40 triệu đồng để lo chi phí, thủ tục xuất cảnh.
Tuy nhiên, khi người lao động đến xưởng may tại Nga, Quốc đã thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân và khóa cửa xưởng không cho họ ra ngoài. Nếu người lao động muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn thì phải liên hệ với người nhà để chuyển cho Quốc số tiền là 60 triệu đồng mới được về Việt Nam.
Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ năm 2012-2016, Phan Công Quốc đã đưa 57 công dân Việt Nam từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, thành phố Hà Nội sang Nga để lao động và cưỡng ép ở lại trái phép.
Tiến hành khám xét nơi ở của Phan Công Quốc tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, lực lượng chức năng đã thu thập được nhiều bản hợp đồng, thỏa thuận nhận tiền và bản sao các giấy tờ tùy thân của những người đã được Quốc đưa sang Nga lao động.
Hiện vụ án đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xử lý.
Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt 20 năm tù
Điều 350 – Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép như sau:
1. Người nào cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên;
b) Đối với từ 5 người đến 10 người;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Vì động cơ đê hèn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Đối với 11 người trở lên;
b) Làm chết người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google