Bảo vệ trẻ an toàn trước bạo lực mạng
Khi công nghệ ngày càng phát triển, tình trạng bạo lực mạng diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Bất cứ ai cũng có thể bị tổn thương bởi bạo lực mạng, nhưng trẻ vị thành niên đang là những nạn nhân phổ biến của vấn nạn này.
Không dễ dàng truy tìm danh tính của những kẻ gây ra bạo lực mạng
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), bạo lực mạng có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là những hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ.
Bạo lực mạng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc đăng tải những nội dung, hình ảnh xấu hổ của người khác lên các nên tảng trực tuyến, đến việc đe doạ, gây tổn thương, bình luận tiêu cực về một cá nhân trên môi trường mạng, hoặc thậm chí là rình rập, theo dõi người khác qua email, các trang web, các mạng xã hội và tin nhắn. Bạo lực mạng cũng có thể là cố gắng lợi dụng thông tin cá nhân để bôi xấu, xâm phạm sự riêng tư và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người khác.
Kẻ bắt nạt trên mạng sẽ công kích nạn nhân về nhiều khía cạnh, từ vóc dáng cơ thể, bề ngoài, đến học vấn, gia đình, các mối quan hệ xã hội, sở thích… Thậm chí, kẻ bắt nạt sẽ đặt điều, bịa ra những thông tin giả nhằm tăng thêm tính thuyết phục của chúng.
Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị tổn thương bởi bạo lực mạng, nhưng độ tuổi vị thành niên và thanh niên thường là những nạn nhân phổ biến. Bạo lực mạng là một vấn đề nan giải đang diễn ra trong nhiều trường học vì tính ẩn danh của người dùng, đây là một điểm thuận lợi cho những kẻ bắt nạt trên mạng.
Bên cạnh việc truy tìm ra danh tính của kẻ bắt nạt không dễ dàng, tốc độ phát tán nhanh chóng của những tin đồn, những lời đe doạ, hình ảnh, video được đăng tải cũng khiến bạo lực mạng để lại những hệ quả khó lường với nạn nhân.
Công nghệ và Internet khi bị sử dụng sai cách sẽ như một công cụ hữu ích cho kẻ xấu, khuyến khích kẻ bắt nạt thực hiện những hành vi tồi tệ hơn. Có nhiều động cơ đằng sau các hành vi bạo lực mạng với trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy kẻ bắt nạt thường nghĩ những hành vi bắt nạt ấy cũng chỉ là một trò đùa dai, là cách xả giận, thể hiện sức mạnh của bản thân, hoặc do ganh tị với nạn nhân, hoặc kẻ bắt nạt cũng đang bắt chước theo những kẻ khác…
Kẻ gây ra bạo lực mạng có thể là người quen hoặc người hoàn toàn xa lạ với trẻ. Và vì tính ẩn danh, mà kẻ bắt nạt tự tin rằng không ai có thể truy tìm ra được con người thật của chúng. Do đó, cũng như những loại bạo lực khác, tổn thương mà nạn nhân phải hứng chịu sẽ không khiến kẻ bắt nạt cảm thấy hối hận hay do dự về hành vi của mình.
Bạo lực mạng tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần của trẻ
Bạo lực mạng có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể chất mà không một ai, nhất là trẻ em, đáng phải trải qua.
Theo UNICEF, bắt nạt trực tuyến có thể ảnh hưởng đến nạn nhân theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào phương tiện gây ra hành vi. Ví dụ, bắt nạt bằng tin nhắn văn bản hay hình ảnh, video trên nền tảng truyền thông xã hội đã được chứng minh tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và sự an toàn cho thanh thiếu niên.
Trẻ em bị bắt nạt trực tuyến có thể cảm thấy bị tấn công ở mọi nơi, mọi lúc, không có lối thoát hay xấu hổ, lo lắng, bồn chồn và bất an về những gì mọi người nói hay nghĩ về mình. Việc này có thể dẫn đến hành vi thu mình, né tránh khỏi bạn bè và gia đình, xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực và lời độc thoại trong nội tâm, cảm thấy tội lỗi về những gì mình đã làm hoặc không làm, hay cảm thấy mình bị phán xét một cách tiêu cực. Cảm thấy cô độc, quá tải, thường xuyên mất ngủ, đau đầu, buồn nôn hay đau bụng cũng là những biểu hiện thường thấy. Đây cũng là những dấu hiệu cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ đang bị bắt nạt trên mạng.
Trẻ có thể không còn động lực để làm những việc mình yêu thích và cảm thấy bị cô lập khỏi những người thân, bạn bè mà mình tin tưởng. Điều này có thể kéo dài cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần và tinh thần của trẻ.
Cảm giác bị người khác cười nhạo hoặc quấy rối có thể khiến trẻ không thể lên tiếng hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đe dọa trực tuyến thậm chí có thể dẫn đến việc nạn nhân nghĩ đến việc tự kết liễu mạng sống của mình.
Bỏ học cũng là một hệ quả thường thấy khác của bắt nạt trên mạng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, những người thường tìm đến chất kích thích như rượu bia, ma túy hay hành vi bạo lực để đối mặt với nỗi đau tinh thần và thể xác.
Ngăn chặn bạo lực mạng làm tổn thương trẻ
Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, cũng giống như các dạng bạo lực khác, bạo lực mạng có thể được ngăn chặn trước khi có thể tổn thương đến con trẻ. Cha mẹ và người lớn trong gia đình có thể tham khảo một vài biện pháp sau đây:
Giới hạn người tiếp cận được thông tin cá nhân về trẻ: Hãy cẩn thận với những người có thể biết được thông tin liên hệ, thông tin cá nhân về sở thích, thói quen, công việc, chuyện học tập của con trẻ. Việc cảnh giác này có thể giúp giảm khả năng kẻ gây bạo lực mạng có thể tiếp xúc với trẻ mà cha mẹ không biết. Quan trọng hơn, trên môi trường mạng, đừng đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân của trẻ và gia đình để kẻ xấu có thể lợi dụng.
Hãy tìm hiểu về thế giới online của trẻ: Cha mẹ có thể kết bạn với trẻ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên cha mẹ không nên bình luận hoặc đăng tải quá nhiều trên trang cá nhân của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ có thể kiểm tra những trang web mà trẻ thường sử dụng, những người bạn mà trẻ thường tương tác. Đồng thời cũng cho trẻ biết về mức độ quan trọng của sự riêng tư khi dùng internet và trong cuộc sống thực hàng ngày: hạn chế chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân với người lạ, thậm chí là bạn bè.
Tránh kích thích kẻ bắt nạt: Việc đáp trả bằng một thái độ gay gắt có thể khiến tình hình càng căng thẳng và chọc giận kẻ bắt nạt. Tùy vào tình huống mà cha mẹ có thể cân nhắc bỏ qua những lời lẽ khiêu khích trên mạng mà hãy chặn tài khoản/ báo cáo tài khoản đó cho trang web hoặc mạng xã hội. Thông thường, những kẻ bắt nạt sẽ càng thích thú khi nạn nhân phản ứng lại. Nếu cha mẹ hoặc trẻ nhận được những email hoặc tin nhắn từ người lạ, hãy xem xét đổi sang một địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội khác.
Lưu giữ bằng chứng của bạo lực mạng: Hãy ghi lại bằng chứng của những tin nhắn, bình luận mang tính đe doạ, khiêu khích, gây rối kèm theo thời gian thực xảy ra. Ngoài lưu giữ phiên bản dưới định dạng kỹ thuật số, hãy in ra giấy nếu cần thiết.
Báo cáo trường hợp bạo lực mạng với trường học hoặc cơ quan chức năng: Nếu cha mẹ phát hiện con trẻ đang bị bắt nạt hoặc đe dọa trên mạng, hãy báo cho trường học hoặc cơ quan chức năng. Sự khác biệt giữa tự do ngôn luận và những phát ngôn công kích sỉ nhục cá nhân rất rõ ràng. Cha mẹ hãy hỗ trợ trẻ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt bạo lực mạng.
Tuy nhiên, khi trẻ còn tiếp xúc với các thiết bị công nghệ và mạng Internet, trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo lực mạng. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ để có thể nhận ra sự bất thường nếu trẻ đang bị bắt nạt. Đồng thời, các phụ huynh nên giáo dục trẻ cách sử dụng thiết bị điện tử, mạng Internet một cách an toàn, lành mạnh để trẻ có thể sử dụng Internet phục vụ các nhu cầu học tập, nghiên cứu và phát triển bản thân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google