Bảo vệ, thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số

Hồng Ngọc
18:04 - 24/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Chúng ta cần chung tay để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn lành mạnh hơn với trẻ em" - đây là phát biểu của lãnh đạo Cục Trẻ em tại Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội", vừa tổ chức hôm nay (24/5/2023) tại Hà Nội.

Ngày 24/5/2023, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội".

Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em.

Riêng 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong số 128 cuộc gọi thì có 124 cuộc gọi tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bảo vệ, thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số - Ảnh 1.

Hội thảo "Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội". Ảnh: VGP/Thu Cúc

Theo VGP, phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như xem phim, học tập, sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng, tìm kiếm thông tin, trò chuyện với bạn bè, người thân…

Cùng với đó, trẻ em sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, xâm hại trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trong thế giới số

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định: "Chúng ta cần chung tay để tạo lập cuộc sống, môi trường thế giới số ngày càng an toàn lành mạnh hơn với trẻ em. Thời gian tới, cần đánh giá nhanh và ở tầm chiến lược, dự báo, những kinh nghiệm các bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng."

Theo ông Đặng Hoa Nam, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ trẻ em và đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các quy trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gắn kết với các quy trình phòng chống xâm hại trẻ em.

Đặc biệt, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ về giải pháp "vaccine số" để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng: "Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến phần mềm để giám sát trẻ em sử dụng Internet trong gia đình, trường học; chặn, lọc, gỡ bỏ những thông tin không phù hợp tiếp cận trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích "vaccine số" phải đi kèm với các giải pháp và kỹ năng đồng hành cùng trẻ tôn trọng quyền riêng tư của trẻ của gia đình và nhà trường. Như vậy "vaccine số" mới được trẻ tiếp nhận bền vững".

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan đã chia sẻ thông tin về những nỗ lực trong việc thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giải quyết các rủi ro mà trẻ em có thể gặp phải; bàn các giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy cơ hội phát triển lành mạnh cho trẻ em trong thế giới số tốt hơn trong thời gian tới. 

Trong đó, có những biện pháp như: nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà không được sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm ngăn chặn chia sẻ thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp lực lượng chuyên trách để xử lý;...

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; và Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025…

Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN, trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như xây dựng Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111.