Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp

H.Ngọc
15:10 - 25/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 24/3, cơn bão mặt trời mạnh nhất trong gần 6 năm qua đã tạo ra cực quang rực rỡ trên bầu trời Bắc Mỹ khiến các nhà thiên văn học bất ngờ.

Theo trang Space, cơn bão mặt trời đạt đỉnh là G4 trên thang đo 5 cấp (G1 đến G5) được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết trong không gian. 

Bão G1 là bão có quy mô yếu nhất và xảy ra thường xuyên, nhiều lần trong tháng. Bão G5 là cơn bão nghiêm trọng nhất và hiếm khi xảy ra.

Theo các nhà khoa học, khi Mặt Trời trong chu kì hoạt động mạnh và xuất hiện nhiều vết đen - những khu vực có từ trường mạnh - trên bề mặt. Kết quả là sự giải phóng năng lượng từ trường đột ngột sẽ gây ra các vụ nổ bức xạ được gọi là bão mặt trời, bão địa từ hay vụ phun trào nhật hoa (CME). Bão mặt trời có thể giải phóng lượng năng lượng cực lớn vào không gian và làm thay đổi các hành tinh.

Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp - Ảnh 1.

Hình ảnh mô tả sự giải phóng năng lượng từ trường đột ngột của Mặt Trời gây ra các vụ nổ bức xạ được gọi là bão mặt trời, bão địa từ hay vụ phun trào nhật hoa (CME). Ảnh: NASA

Sự dữ dội và bất ngờ của cơn bão không chỉ tạo ra cực quang tại một số khu vực ở Canada hay các bang Colorado, New Mexico (Mỹ), mà còn khiến Công ty hàng không vũ trụ Rocket Lab phải hoãn một vụ phóng trong 90 phút để đánh giá các điều kiện ảnh hưởng của cơn bão mặt trời.

Các cơn bão mặt trời mạnh có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ vì chúng làm tăng mật độ khí trong tầng khí quyển phía trên của Trái đất, do đó làm tăng lực cản đối với vệ tinh và các tàu vũ trụ khác. Vào tháng 2/2022, SpaceX đã mất tới 40 vệ tinh Starlink hoàn toàn mới khi chúng không đạt được quỹ đạo sau khi được phóng vào một cơn bão mặt trời cấp độ nhẹ.

Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp - Ảnh 2.

Cực quang tuyệt đẹp được chụp tại miệng núi lửa Holleford ở Thị trấn South Frontenac, phía nam Verona ở Ontario, Canada. Ảnh: Adam Correia

Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp - Ảnh 3.

Cực quang là hiện tượng tự nhiên, xuất hiện dưới dạng các dải ánh sáng có màu sắc rực rỡ trên tầng cao của khí quyển, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Ảnh: National Weather Service Spokane

Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp - Ảnh 4.

Hình ảnh cực quang thắp sáng bầu trời được chụp tại Mỹ sau cơn bão mặt trời xảy ra ngày 24/3. Ảnh: The Hill/NWS Gaylord

Bão mặt trời mạnh nhất trong 6 năm quét qua Trái đất, tạo ra cực quang tuyệt đẹp - Ảnh 5.

Cực quang tại vùng phía nam Ontario, Canada, ngày 24/3. Ảnh: The Star

Cực quang tại một số nơi ở Bắc Mỹ ngày 24/3. Ảnh: The Star

Ban đầu, Dịch vụ Thời tiết Không gian Quốc gia của NOAA thông báo về việc theo dõi bão mặt trời vào ngày 22/3, dự đoán bão ở cấp trung bình G2 có thể diễn ra ngày 24/3. Như vậy, các nhà dự báo không mất cảnh giác hoàn toàn, nhưng họ không đánh giá khả năng cơn bão lên tới cấp G4.

Nhà thein văn học người Mỹ Tamitha Skov giải thích: "Cơn bão gần như vô hình này phóng chậm hơn nhiều so với các CME phun trào và rất khó quan sát quá trình chúng thoát khỏi bề mặt Mặt Trời nếu không được đào tạo chuyên sâu. CME ẩn cũng có thể bị che lấp bởi những cấu trúc khác đặc hơn từ Mặt Trời, khiến chúng trở nên khó quan sát."

Theo dự báo của NOAA,Trái đất có thể chứng kiến nhiều sự kiện thời tiết không gian khắc nghiệt hơn như cơn bão mặt trời vừa xảy ra vào năm 2025, khi Mặt Trời tiến tới đỉnh điểm trong chu kỳ hoạt động mạnh kéo dài 11 năm.

Theo các nhà khoa học, cơn bão mặt trời lớn nhất - cấp độ G5 từng được ghi nhận trong lịch sử là sự kiện Carrington vào tháng 8/1859, mang năng lượng gần tương đương với 10 tỉ quả bom nguyên tử 1 megaton. Sau khi ập xuống Trái đất, cơn bão đã đốt cháy các hệ thống điện tín xuyên suốt châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và phóng ra cực quang đến tận phía Nam Cuba.

Bình luận của bạn

Bình luận