Bạo lực học đường: Một vấn đề đa chiều đòi hỏi sự chú ý toàn diện

Vũ Hùng
10:08 - 06/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Xung quanh clip đậm chất "bạo lực học đường" được quay ở lớp 7C, trường THCS Văn Phúc (xã Văn Phúc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đang được phát tán trên mạng xã hội những ngày qua, tôi có mấy câu hỏi mà có lẽ cũng là nỗi niềm chung của nhiều người trước vụ việc "tày đình" này.

Phải chăng cô giáo đang chịu một áp lực nào đó? 

Nếu như các xét nghiệm y tế sau này không phát hiện ra cô giáo trong clip có tiền sử một bệnh tật nào đó về hệ thần kinh, hoặc có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt thể nhẹ, thì tại sao một giáo viên ngay trên lớp mình giảng dạy lại có thể thụ động và yếm thế đến thế, lại đứng nhìn "chết trân" một cách đơn độc như thế, trong khi xung quanh là các học sinh đang hò hét, chửi rủa, dọa dẫm, kích động cô, trong khi có điện thoại trong tay mà cô chỉ nhịn nhục ghi lại hình ảnh chứ không gọi cho bất cứ một ai trong số các đồng nghiệp và Ban Giám hiệu, gọi cho người thân, thậm chí hoàn toàn có thể gọi số khẩn cấp cho Cảnh sát 113?

Phải chăng cô giáo này đang chịu một áp lực nào đó lớn đến mức dù có bị xúc phạm đến đâu cũng không được hành động phản ứng lại, không được thậm chí là kêu cứu?

Bạo lực học đường: Một vấn đề đa chiều đòi hỏi sự chú ý toàn diện- Ảnh 1.

Phải chăng các học sinh cũng đang chịu một áp lực nào đó?

Tại sao cả một lớp học như thế mà không có một học sinh đủ ngoan, đủ xứng đáng là một người học trò dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, để đứng ra bênh vực cô giáo của mình, kêu gọi các bạn ngừng bao vây và sỉ nhục cô giáo, hay chí ít cũng tìm cách ra ngoài báo cho các thầy, cô khác ở trong trường biết sự việc?

Phải chăng các học sinh ở lớp này cũng đều đang chịu một áp lực nào đó để có thể "đồng tâm, hợp lực" trong một vụ việc mang đầy tính bạo lực học đường như vậy?

Phải chăng có cả một sự chuẩn bị trước khi vụ việc này xảy ra?

Tại sao trong lúc bị kích động và nhốn nháo, hung tợn như thế, vẫn có một học sinh bình tĩnh và bình thản ghi hình, quay clip một cách rất chi tiết và thành thạo, khiến phóng viên các báo hôm nay có thể sử dụng clip đó như một nguồn tư liệu đầy đủ chất lượng thông tin để minh họa cho tin bài của mình?

Phải chăng có cả một sự chuẩn bị trước khi vụ việc này xảy ra, thậm chí là có sự "phân công công việc" nào đó đối với học sinh - "camera man" này?

Lực lượng chức năng ở đâu? 

Tại sao một vụ việc diễn ra lâu như thế, những tiếng la hét thất thanh, ầm ĩ, tiếng chửi bới tục tằn như thế tại một lớp học mà không thấy một vị giám thị, một nhân viên bảo vệ, một thầy cô giáo nào trong trường xuất hiện để can ngăn, để vãn hồi trật tự, để "cứu" cô giáo đó thoát ra khỏi sự "đơn độc" giữa đám đông học trò như một "bầy sói" nhỏ đang bị kích động.

Đây là tình tiết khó hiểu nhất trong vụ việc này nhưng lại là câu hỏi mà chính Ban giám hiệu trường THCS Văn Phúc dễ trả lời nhất, nếu họ định và muốn trả lời.

Và cuối cùng, tại sao vụ việc xảy ra từ 28/ 11, sau ngày lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11 một tuần, nhưng thêm một tuần sau nữa - nghĩa là sau hai tuần khi vụ việc xảy ra, nếu không xuất hiện clip kia, thì mọi việc sẽ "chìm xuồng" ư? Sẽ không có ai ngoài nội bộ trường Văn Phú, sẽ không có phóng viên báo chí nào, không có một facebooker hay KOL nào... có thể biết tin tức và hình ảnh về vụ việc tày đình này?

Phải chăng có một "kế hoạch" nhằm giấu nhẹm vụ việc này đi, chí ít cũng vì một căn bệnh kinh niên trong nhiều nhà trường và trong cả ngành giáo dục: Bệnh thành tích?

Lời bàn

Thiết nghĩ, nếu những câu hỏi trên được các phóng viên các báo theo dõi vụ này sử dụng trong quá trình thâm nhập thực tế ở Văn Phúc, Sơn Dương để tiến hành điều tra, gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng trong lớp 7C trường THCS Văn Phúc, gặp em học sinh đã quay clip, gặp người đã tung clip lên mạng xã hội, đặc biệt là gặp cô giáo - nạn nhân của vụ việc, thì tôi tin là bạn đọc cả nước sẽ được giải tỏa những thắc mắc về những điều rất khó hiểu hoặc không thể hiểu nổi trong vụ việc này.

Trái tim tôi đau xót khi nhìn thấy những hình ảnh của những em học sinh ngây thơ, nhưng lại tấn công chính cô giáo dạy dỗ mình. Những câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường và học trò hư hỏng cần được tất cả chúng ta quan tâm và chấn chỉnh. Để những đứa trẻ tương lai của chúng ta không bị tổn thương, và chính chúng ta cũng không chịu tổn thương theo.


Bình luận của bạn

Bình luận