Có cần thiết phải chọn lại sách giáo khoa mỗi năm một lần?

Thành Phúc
18:03 - 20/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023 - 2024 tới đây đã là năm thứ 2 ngành giáo dục triển khai chương trình mới ở cấp Trung học phổ thông; năm thứ 3 ở cấp Trung học cơ sở và năm thứ tư của cấp Tiểu học. Thế nhưng, năm nào các nhà trường cũng phải lựa chọn sách giáo khoa mới.

Thời điểm này, các trường lại đang bước vào nghiên cứu các bộ sách giáo khoa, làm phiếu nhận xét từng bộ sách giáo khoa theo yêu cầu. Tiếp theo là tiến hành hội họp để bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa và hoàn thiện các mẫu hồ sơ để gửi về Phòng Giáo dục (với cấp Tiểu học, Trung học cơ sở), Sở Giáo dục (với cấp Trung học phổ thông).

Với rất nhiều bước qua nhiều quy trình, nhưng mấu chốt cuối cùng là tổ chuyên môn, nhà trường vẫn tiếp tục chọn bộ sách mà đơn vị đang dạy cho năm học tiếp theo vì nhiều lý do khác nhau nên không thể lựa chọn bộ sách khác được.

Việc lựa chọn sách giáo khoa đã trở nên… hình thức

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện năm đầu tiên (năm học 2020 - 2021) triển khai ở lớp 1 có tới 5 bộ sách giáo khoa. Lúc đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị biên soạn đến 4 bộ sách giáo khoa.

Tuy nhiên, bước sang năm thứ 2 thực hiện chương trình mới (năm học 2021-2022) thì chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa như hiện nay. Đó là: bộ Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC.

Đầu tháng 2 này, các đơn vị chủ quản của 3 bộ sách giáo khoa đã gửi các đường link những đầu sách giáo khoa của đơn vị mình biên soạn đến các địa phương, các nhà trường để giáo viên đọc, tham khảo và thực hiện việc lựa chọn sách cho tổ chuyên môn và đơn vị mình.

Song hành với các đường link sách giáo khoa của các nhà xuất bản thì Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã gửi các kế hoạch, mẫu hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 đến đội ngũ nhà giáo trong nhà trường để giáo viên đọc trước.

Có cần thiết phải chọn lại sách giáo khoa mỗi năm một lần? - Ảnh 2.

Sang năm thứ 2 thực hiện chương trình mới (năm học 2021-2022) chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 8 của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông thì nhà trường sẽ thực hiện theo 2 bước cơ bản.

Đầu tiên, Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Bước tiếp theo là Cơ sở giáo dục phổ thông (nhà trường) tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn. 

Danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.

Việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa đối với tổ chuyên môn - cấp thấp nhất đang được thực hiện theo nhiều bước khác nhau. Theo yêu cầu, giáo viên phải đọc 3 cuốn sách giáo khoa trên file PDF theo đường link, đó là: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều để rút ra nhận xét về ưu điểm, hạn chế của mỗi cuốn sách vào 1 phiếu nhận xét riêng và nộp cho tổ trưởng chuyên môn.

Sau đó, tổ chuyên môn sẽ tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn bộ sách cho mỗi môn học và báo cáo với hiệu trưởng danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Hồ sơ nộp cho hiệu trưởng bao gồm: Bản nhận xét đánh giá sách giáo khoa của từng thành viên (những ưu điểm, hạn chế, tính phù hợp của các quyển sách); Biên bản thảo luận của tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa; Biên bản bỏ phiếu kín lựa chọn; Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, được sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp và có chữ kí của các thành viên của tổ và tổ trưởng tổ chuyên môn lựa chọn. Để hoàn thiện được hồ sơ này, các tổ trưởng chuyên môn phải chuẩn bị nội dung họp, tiến hành họp và sau đó hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian mới thực hiện xong.

Tiếp theo, đến nhà trường họp, bỏ phiếu lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa cho đơn vị. Rồi cấp Phòng, Sở tổng hợp, họp lựa chọn sách giáo khoa theo một quy trình chặt chẽ đã được hướng dẫn ở Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT với rất nhiều bước khác nhau.

Có cần năm nào cũng phải chọn lại sách giáo khoa hay không?

Thực tế cho thấy, không mấy giáo viên đủ thời gian ngồi đọc hết 3 cuốn sách giáo khoa - mỗi cuốn có đến vài trăm trang trên file PDF được các nhà xuất bản gửi qua link và thực tế đọc cũng không giải quyết được vấn đề gì. Họ chỉ có thể đọc, hoặc lướt qua bộ sách giáo khoa mà tổ chuyên môn của mình đang dạy xem lớp tới đây có những bài nào, kiến thức nào mới không.

Năm đầu tiên thực hiện, giáo viên buộc phải đọc cả 3 bộ sách của các nhà xuất bản là cần thiết để đưa ra phương án lựa chọn cho đơn vị mình. Nhưng năm học tới đây, cấp Tiểu học và Trung học cơ sở đã thực hiện giảng dạy chương trình mới đến năm thứ 3, thứ tư, thường thì giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường không bỏ bộ sách đang dạy ở các năm học trước để lựa chọn bộ sách mới.

Bỏ bộ sách mình đang dạy không đơn thuần là việc giáo viên phải bỏ đi công sức đầu tư cho kế hoạch bài dạy (giáo án) ở các năm trước. Trong khi, mỗi bộ sách giáo khoa của mỗi nhà xuất bản có triết lý và cách tiếp cận khác các đơn vị kiến thức khác nhau. 

Bên cạnh đó là tài liệu giáo viên đã mua trong những năm qua; sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy nhà trường đã sắm cho thư viện nếu thay cũng phải bỏ một cách lãng phí. Đó là chưa kể khi lựa chọn bộ sách khác thì tổ chuyên môn, nhà trường phải trình bày nguyên nhân, lý do vì sao chọn sách khác rất nhiêu khê. Chính vì thế, các năm học trước chọn bộ sách nào thì năm học tới đây cũng sẽ chọn bộ sách đó.

Như vậy, các giáo viên cho rằng việc Bộ và các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng yêu cầu tổ chuyên môn, nhà trường phải lựa chọn sách giáo khoa mới là việc làm không thực sự cần thiết. Việc làm này lãng phí công sức của hàng triệu giáo viên cả nước, lãng phí thời gian hội họp, lãng phí tiền in ấn hồ sơ của các cấp và tiền ngân sách địa phương cho cho các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (cấp tỉnh).

Việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy trình đã được hướng dẫn ở Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT chỉ nên thực hiện đối với những trường lựa chọn lại bộ sách giáo khoa mới. Riêng đối với những trường vẫn lựa chọn bộ sách đang dạy thì không cần thiết tiến hành lựa chọn sách giáo khoa nữa, chỉ cần Hiệu trưởng nhà trường lập một danh sách về sách giáo khoa cho lớp mới của đơn vị mình, tránh lãng phí không cần thiết về công sức và tiền bạc.

Cả nước có hàng triệu giáo viên và hàng chục nghìn trường phổ thông, hàng trăm nghìn tổ chuyên môn đều phải tiến hành họp hội, hoàn thành hồ sơ theo các bước nhưng cuối cùng vẫn chọn bộ sách giáo khoa đang dạy ở các năm học trước. 

Và việc lựa chọn sách giáo khoa mới khi không có nhu cầu thay đổi bộ sách là thực sự không cần thiết. 

Bình luận của bạn

Bình luận