7 vụ bê bối thi tốt nghiệp từng gây rúng động dư luận

An Đôn
12:07 - 03/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước thềm kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022, cùng nhìn lại 7 vụ bê bối thi tốt nghiệp từng gây rúng động dư luận.

Ngày 30/6 và 1/7/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đã kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng… 

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý phải có biện pháp phát hiện, phòng ngừa các hình thức gian lận công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật trong coi thi, chấm thi để khắc phục những hạn chế, ngăn chặn sai phạm có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, kỳ thi có trong sạch hay không thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Bởi nhiều vụ bê bối thi tốt nghiệp từ trước đến nay đều do con người chủ động tác động.

Năm 2006: Thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo sai phạm tại hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (tỉnh Hà Tây cũ)

Theo đó, giám thị tại điểm thi này đã nhận tiền "bồi dưỡng" ngay từ đầu để làm ngơ cho cán bộ, giáo viên của trường ném đáp án vào phòng hay học sinh chép tài liệu. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long khi đó đã cử một đoàn thanh tra đột xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A và chứng kiến cảnh ném phao qua cửa phòng thi.

Sau việc này, hàng loạt cá nhân có liên quan bị đình chỉ nhiệm vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trao "2 không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) nhằm ngăn chặn những sai phạm trong ngành giáo dục.

Năm 2006: Thầy Lê Đình Hoàng – Trường Trung học phổ thông bán công Thanh Chương (Nghệ An) đưa lên diễn đàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo 4 đoạn clip quay cảnh lộn xộn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Ngày 29/8/2006, 4 đoạn clip với tiêu đề "Trong phòng thi", "Ném bài", "Môn Địa" và "Môn ngoại ngữ" đã ghi lại khá rõ cảnh phòng thi bát nháo như họp chợ. 

Học sinh ngồi tụm năm tụm ba, đi lại lộn xộn, cười nói tự nhiên, bàn tán râm ran, thậm chí còn ngồi lên bàn, quay lưng về phía bục giảng chép bài. Thí sinh ngồi dồn xuống cuối lớp để tiện chép bài khiến nhiều dãy bàn bị bỏ trống.

Ngày 27/9/2006, đoàn thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã làm việc và đưa ra kết luận về sự việc "loạn thi" tốt nghiệp ở Hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Nam Đàn 2, đồng thời thầy giáo Lê Đình Hoàng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An trao tặng bằng khen vì hành động dũng cảm này.

Năm 2007: Thanh tra Trần Hoài Nam và Dương Hoàng Anh bắt quả tang nhóm người đang sao, in giải đề thi tại phòng y tế của hội đồng thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lương Tài (Bắc Ninh)

Tại hội đồng thi này, khi thanh tra đến đây kiểm tra đã bắt quả tang thư ký hội đồng thi Nguyễn Thành Bắc đang in sao, giải đề Vật lí cho thí sinh.

Do sự việc nhanh chóng được phát hiện và xử lý khi nên bài giải chưa kịp đưa đến các phòng thi và thí sinh. Tuy nhiên việc để lộ đề thi như trên là hành động nghiêm trọng và được cho là có tổ chức.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã quyết định đình chỉ công việc ông Nguyễn Thành Bắc. Bên cạnh đó, chủ tịch hội đồng thi Đỗ Đức Trị cũng bị đình chỉ nhiệm vụ do để lộ đề thi ra ngoài.

Năm 2012: Gian lận trong phòng thi ở Trường Trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang)

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp kết thúc thì trên mạng xuất hiện clip dài 6 phút quay cảnh quay cóp, ném bài trong phòng thi. Trong video, giám thị 2 ngồi cuối lớp, thí sinh thoải mái trao đổi, chép "phao", thậm chí một giám thị còn ném bài vào cho học sinh truyền tay nhau chép.

Vụ việc được xác định xảy ra tại điểm thi Trường Trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Clip do hai học sinh dùng thiết bị ghi hình mini (không có màn hình) để lưu lại bằng chứng "trò quay cóp, thầy cô ném phao" ở cả 6 buổi thi. Theo hai học sinh, tình này diễn ra từ nhiều năm, thầy trò đã phản ánh nhưng rồi "đâu lại vào đó".

Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến vụ việc này.

Năm 2013: Video phản ánh tiêu cực tại Hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Quang Trung Hà Đông (Hà Nội)

Video ghi lại cảnh phòng thi lộn xộn, thí sinh mặc sức trao đổi bài, thậm chí làm hộ bạn trước mặt giám thị tại phòng thi số 35. Trong khi đó giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện. Sự việc diễn ra ở cả hai môn Toán và tiếng Anh ngày 4/6.

Vi phạm tại hội đồng thi này được cho là không nghiêm trọng như trước đây nhưng việc để thí sinh quay bài của nhau mà giám thị không xử lý vẫn phải bị kỷ luật.

Vụ việc đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội điều tra cảnh cáo các giám thị trong phòng thi số 35, khiển trách chủ tịch Hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách và các giám thị ở ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo hội đồng gồm phó chủ tịch và thư ký, các thành viên của tổ thanh tra cũng bị phê bình.

Năm 2018: Gian lận trong công tác tổ chức và chấm thi ở kì thi trung học phổ thông quốc gia

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 khiến dư luận được một phen rúng động khi toàn quốc có 76 thí sinh đạt mức điểm từ 27 trở lên thì Hà Giang đã chiếm 36 em (47,37%), trong khi lượng thí sinh ở tỉnh này chỉ chiếm tỉ lệ 1/170 toàn quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, giám sát việc rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi tại Hội đồng thi tỉnh Hà Giang. Kết quả cho thấy, với các bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh. Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Hội đồng chấm thẩm định quyết định lấy kết quả chấm thẩm định để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang công bố ngày 11/7/2018. Các cá nhân sai phạm sau đó đã bị khởi tố, truy tố và nhận mức án nghiêm minh của pháp luật.

Năm 2021: Vụ án lộ đề thi môn Sinh học đã khởi tố bị can, hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra

Trước ngày thi tốt nghiệp năm 2021, thầy Phan Khắc Nghệ, giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh đăng 2 video hướng dẫn ôn tập môn Sinh học trực tuyến cho học sinh.

Đầu tháng 7/2021, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), phản ánh đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 môn Sinh học có nhiều phần trùng lặp với nội dung ôn tập cho học sinh của thầy Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh.

Ngày 10/6/2022, Bộ Công an đã khởi tố vụ án lộ đề môn sinh học Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Được biết, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học.

Từ các sai phạm đã từng xảy ra trong các kì thi tốt nghiệp,đặc biệt là vụ án lộ đề thi môn Sinh học năm 2021, rất mong cơ quan chức năng cùng các ban ngành liên quan rút ra kinh nghiệm trong tổ chức thi trước thềm kì thi tốt nghiệp năm 2022 và những năm sau. Trong đó, chú trọng kẽ hở từ ngân hàng đề, quy trình làm đề và cần đưa ngân hàng câu hỏi thi vào danh mục "bí mật nhà nước" để tránh rủi ro dẫn đến vi phạm pháp luật như nhiều chuyên gia giáo dục đã góp ý, khuyến cáo.