4 lưu ý quan trọng sau khi hết đau mắt đỏ

Minh Châu
10:10 - 21/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Sau khi khỏi đau mắt đỏ, người bệnh vẫn cần lưu ý một số vấn đề như tình trạng khô mắt kéo dài, đau mắt đỏ tái phát...

4 lưu ý quan trọng sau khi hết đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Ảnh minh họa: healthcare.utah.edu

Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Sau khi khỏi đau mắt đỏ, người bệnh vẫn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Viêm giác mạc đốm kéo dài

Viêm giác mạc đốm là một biến chứng thường gặp trong mùa dịch đau mắt đỏ năm nay, diễn ra ở giai đoạn muộn của bệnh đau mắt đỏ, kéo dài kể cả sau khi mắt người bệnh hết đỏ hoàn toàn.

Biểu hiện của bệnh này là người bệnh thấy nhìn lóa, đặc biệt khi ra chỗ sáng, mắt tiếp xúc với ánh sáng có cường độ cao như ra ngoài trời nắng, đi đêm nhìn đèn xe đối diện; trên giác mạc (lòng đen) thấy có các chấm trắng nhỏ rải rác. Thời gian để các chấm nhỏ đó biến mất có thể kéo dài đến 6 tháng.

Để giải quyết tình trạng này, người bệnh cần đeo kính râm khi ra ngoài trời. Ngoài ra, với những người làm việc văn phòng, thường xuyên phải tiếp xúc với màn hình máy tính cần chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh làm mắt khó chịu quá mức.

Khô mắt kéo dài sau khi khỏi đau mắt đỏ

Khô mắt thường xuất hiện khi bệnh đau mắt đỏ gần hết và kéo dài. Biểu hiện bằng cảm giác cộm vướng, nặng mắt, chảy nước mắt.

Một số trường hợp nặng có biểu hiện của tổn thương giác mạc như viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc sợi. Đặc biệt, những trường hợp người bệnh bị đau mắt đỏ tự ý dùng các biện pháp như xông lá trầu không, đắp lá, nhỏ các thuốc đông y tự chế thì tình trạng khô mắt còn trầm trọng hơn, có thể dẫn tới loét giác mạc, nguy cơ mù lòa tăng cao.

Trong trường hợp này, nước mắt nhân tạo, thậm chí là thuốc chống viêm nếu được bác sĩ kê đơn hợp lý sẽ giúp giác mạc được tái tạo lại hoàn toàn, tình trạng khô mắt được cải thiện.

4 lưu ý quan trọng sau khi hết đau mắt đỏ - Ảnh 3.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Ảnh minh họa: Today

Đau mắt đỏ tái phát

Bạn hoàn toàn có thể bị tái phát đau mắt đỏ do virus gây đau mắt đỏ không tạo ra miễn dịch bền vững. Điều này có nghĩa là, khi bạn bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp), cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại virus gây bệnh. Khi lượng kháng thể tích lũy đủ sẽ khống chế và đẩy lùi bệnh. Tuy nhiên, lượng kháng thể này sẽ giảm theo thời gian và không đặc hiệu. Do vậy, một thời gian sau khi người bệnh đó tiếp xúc lại với virus vẫn có thể mắc bệnh đau mắt đỏ.

Hơn nữa, bạn cũng không nên chủ quan vì biểu hiện đỏ mắt có thể gây ra bởi một số bệnh lý khác ở mắt như viêm loét giác mạc, glocom cấp, viêm màng bồ đào… Các bệnh lý này nặng nề hơn. Vì vậy, việc tự dùng thuốc như khi đau mắt đỏ mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Mắt sẽ làm bệnh không khỏi và có thể làm mất cơ hội để điều trị bệnh đúng cách.

Theo dõi người thân bị bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng do virus gây ra gồm Adenovirus và Enterovirus nên khi trong gia đình có người bị bệnh thì các thành viên còn lại, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Việc phòng chống lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ trong gia đình tương đối khó khăn, do các thành viên cùng chung bầu không khí trong không gian nhỏ, ngủ chung giường, chung các vật dụng cá nhân; hơn nữa thời gian lây nhiễm cho người khác có thể bắt đầu trước cả khi người bị bệnh có biểu hiện đỏ mắt.

Do vậy, khi khỏi bệnh đau mắt đỏ, bạn cần tiếp tục theo dõi các thành viên trong gia đình, sẵn sàng sắp xếp thời gian để chăm sóc người thân bị bệnh; đặc biệt là trẻ em nếu bị đau mắt đỏ phải nghỉ học ở nhà để cách ly.

Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác trước 2-3 ngày khi phát bệnh và sau khi khỏi bệnh 1 tuần. Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bị đau mắt đỏ:

Luôn vệ sinh sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, tránh cầm nắm vào các vị trí dùng chung như tay nắm cửa, tay cầm cầu thang, nút bấm thang máy….

Đeo khẩu trang để tránh lây lan qua đường hô hấp (giọt bắn).

Tra nước muối sinh lý để rửa mắt, nhất là đối với gia đình có người thân bị bệnh.

Phải tiến hành cách ly người bệnh: Dùng riêng khăn, chậu rửa, mùi soa, kính mắt, thìa, bát, vỏ gối, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người…

Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải rửa tay bằng xà phòng.

Bài viết có sự tư vấn của Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Khoa Mắt, 

Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội)