Gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phòng dịch

Minh Châu
10:07 - 13/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Riêng từ ngày 1/9 đến 11/9/2023, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1.300 ca bệnh đau mắt đỏ. Các địa phương đang tích cực phòng chống dịch.

10 ngày ghi nhận hơn 1.300 ca bệnh đau mắt đỏ ở Đà Nẵng

Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng thông tin, ngày 12/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Võ Thu Tùng cho biết, hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước. 

Từ ngày 1/1 -11/9/2023, đã có 22.444 trường hợp viêm kết giác mạc cấp khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng; trong đó có 11.572 trẻ em chiếm tỷ lệ 51,5%. Riêng từ ngày 1/9 đến 11/9/2023, bệnh viện khám và điều trị 1.335 trường hợp viêm kết giác mạc, trong đó có 767 trẻ em, chiếm tỷ lệ 57,5%.

Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết mạc.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 6/9/2023, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ ngày 1/1/2023 là 71.740 lượt. Số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. 

Báo cáo của Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh nêu tình trạng đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết – giác mạc (môt dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.

Gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phòng dịch - Ảnh 1.

Gia tăng ca bệnh đau mắt đỏ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phòng dịch. Ảnh minh họa:
https://www.aarp.org/

Đà Nẵng tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ, ngày 1/-9, Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) khi phát hiện học sinh mắc bệnh để xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Ủy ban Nhân dân các quận huyện phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và các lực lượng địa phương phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; nâng cao vai trò của Cộng tác viên Dân số - Y tế - Trẻ em trong công tác phát hiện sớm, thông tin cho cơ quan y tế, hướng dẫn xử lý, phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Ban hành hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Song song đó, tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại cơ sở y tế, các hộ gia đình, trường học, cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài. Giám sát các phòng khám tư nhân trên địa bàn, kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý để đảm bảo công tác hiệu quả thông tin, báo cáo, xử lý, phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cập nhật các phác đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ.

Bệnh viện Mắt chủ trì, phối hợp Bệnh viện Phụ sản Nhi cập nhật, khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ đối với các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn, kể cả khối bệnh viện bộ, ngành, tư nhân (có thể tổ chức tập huấn theo hình thức online bằng các ứng dụng trực tuyến).

handwashing-feature.jpg

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch là một trong những biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus. Ảnh: CDC

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo “khẩn” tăng cường phòng dịch đau mắt đỏ

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng; Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

Chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus (thường gặp là Adenovirus), cụ thể là:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang….

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

- Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.

Trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho các đối tượng: Giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)