3 loại vi khuẩn chính gây ra vụ ngộ độc hàng loạt sau ăn cơm gà ở Nha Trang
Vụ ngộ độc hàng loạt sau ăn cơm gà ở Nha Trang hiện còn 75 người vẫn đang nằm viện điều trị. Các loại vi khuẩn gây nên ngộ độc chính là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Nguyên nhân khiến hàng loạt người nhập viện sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh
Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguyên nhân khiến hàng loạt người nhập viện sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là do ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus gây nên.
Nhận định trên của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa đưa ra dựa trên kết quả kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn… của Viện Pasteur Nha Trang và các thông tin điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc.
Các loại vi khuẩn gây nên ngộ độc chính là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus và vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu rau dưa của quán Trâm Anh.
Phát hiện vi khuẩn Salmonella spp trong mẫu phân của bệnh nhân bị ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh. Vi khuẩn này cũng được phát hiện trong mẫu hành phi của quán ăn này.
Đặc biệt, phát hiện cả 2 loại vi khuẩn Salmonella spp Bacillus cereus cùng có trong mẫu cơm gà chan sốt trứng và mẫu gà xé của quán Trâm Anh. Bữa ăn gây nên ngộ độc là bữa ăn trưa và bữa chiều ngày 11 và 12/3/2024.
Còn 75 trường hợp bị ngộ độc đang điều trị tại các bệnh viện
Theo kết quả điều tra ngộ độc thực phẩm của đoàn liên ngành tỉnh Khánh Hòa, tất cả các ca ngộ độc thực phẩm sau ăn cơm gà quán Trâm Anh có chung triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng, buồn nôn, nôn, sốt, mệt lả…
Thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa, kể từ ngày 13 đến tối ngày 18/3, tổng số người bị ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị là 367 người.
Hiện 75 người vẫn đang nằm viện điều trị, số còn lại đã được xuất viện hoặc nhận đơn thuốc về nhà uống. Tất cả bệnh nhân đang nằm viện sức khỏe tiến triển tốt, ổn định.
Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào?
Trước đó, năm 2022, vi khuẩn Salmonella cũng là thủ phạm khiến hàng trăm học sinh ở Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong.
Tháng 9/2023, vi khuẩn Salmonella cũng được phát hiện trong thịt lợn, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo và xíu mại sau khi xét nghiệm 12 mẫu bánh mì Phượng tại Hội An gây ra vụ ngộ độc cho hơn 300 người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn.
Vi khuẩn Salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
Thực phẩm và nước ô nhiễm như: thịt sống, thịt gia cầm và hải sản, sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng, trái cây và rau củ nhiễm khuẩn trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế, trứng sống hoặc nấu chưa chín, hoặc trong quá trình chế biến, người đầu bếp không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh và rửa tay sạch sẽ khi chế biến khiến vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm và nhanh chóng sinh sôi.
Vi khuẩn Salmonella có khả năng sống sót bên ngoài cơ thể con người và động vật một thời gian khá dài (sống trong nước 2 - 3 tuần, trong phân hoặc nước đá có thể 2 - 3 tháng). Salmonella bị hủy bởi nhiệt độ: 500 độ C trong vòng 1 giờ hoặc 1000 độ C trong vòng 5 phút và dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường. Thời kỳ ủ bệnh của Salmonella có thể từ 6 giờ - 6 ngày.
Bệnh do Salmonella thường có biểu hiện của viêm nhiễm đường tiêu hóa với nhiều mức độ; nếu không được điều trị sớm có nguy cơ sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Vi khuẩn Salmonella có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách rửa tay với xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh; rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống; rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng; đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ.
Trước đó, ngày 14/3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn số 476/ATTP-NĐTT ngày 14/3/2024 đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân trong vụ ngộ độc sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.
Đồng thời, tạm thời đình chỉ cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp tới đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định gần nhất để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google